Sáng 19/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp thứ 36 của UBTVQH.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian họp dự kiến trong 4 ngày (từ 19 - 22/8), trong đó dành 1,5 ngày tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn và xem xét 12 nội dung quan trọng.
Về công tác lập pháp, UBTVQH sẽ cho ý kiến lần đầu về 3 dự án luật: Luật Điện lực (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đồng thời, UBTVQH sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vừa qua. Sau đó, các cơ quan có liên quan tiếp tục hoàn chỉnh, trình Hội nghị ĐBQH chuyên trách cho ý kiến (ngày 27 - 29/8 tới đây), gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8.
UBTVQH cũng sẽ xem xét đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung 2 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Phòng bệnh.
Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày (cả ngày 21/8 và sáng ngày 22/8) tiến hành hoạt động chất vấn, qua đó, sẽ đánh giá toàn diện, tổng thể về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 liên quan đến 9 lĩnh vực.
Nhóm lĩnh vực thứ nhất là nhóm kinh tế - xã hội, do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành, liên quan đến 3 lĩnh vực: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công thương; Văn hóa, thể thao và du lịch.
Nhóm lĩnh vực thứ 2 thuộc nhóm nội chính, do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành, liên quan đến 6 lĩnh vực: Tư pháp; Nội vụ; An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thanh tra; Tòa án; Kiểm sát.
Về quyết định các vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến, quyết định các nội dung theo thẩm quyền, gồm: Việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Bộ Y tế.
Thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định một số nội dung liên quan đến các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là đô thị giai đoạn 2023-2025.
Nhấn mạnh khối lượng công việc của phiên họp lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp, yêu cầu cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan báo cáo ngắn gọn, rõ, đúng thời gian cho phép; các đồng chí thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung phát biểu đi thẳng vào vấn đề; tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau; bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp. Đây cũng là một bước chuẩn bị "từ sớm, từ xa" để đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho Kỳ họp thứ 8.
"Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành đảm bảo tiến độ chuẩn bị các dự án luật theo đúng yêu cầu, tránh việc đăng ký vào chương trình nhưng lại không chuẩn bị kịp, dẫn tới phải điều chỉnh chương trình phiên họp, ảnh hưởng tới các nội dung khác", Chủ tịch Quốc hội đề nghị.