Doanh nghiệp

Tỷ phú Trần Đình Long: 5-10 năm tới Hòa Phát chỉ tập trung vào thép

Thông tin này được Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát (HPG) nói với cổ đông trong phiên họp thường niên sáng nay.

Như mọi năm, lãnh đạo Hòa Phát không trình bày các báo cáo, cổ đông tự nghiên cứu trong 20 phút và đại hội bắt đầu ngay phần hỏi đáp. Tuy nhiên, năm nay, "sân khấu" không chỉ riêng của tỷ phú giàu thứ ba Việt Nam.

"Nếu mọi người nghĩ cứ Hòa Phát là ông Long làm hết thì không phải", ông Trần Đình Long nói với các cổ đông trước khi bước vào phần Q&A. "Mọi người đừng hỏi tôi về hoạt động kinh doanh vì sự thật là tôi đang rút ra dần. Năm nay tôi cũng đã 64 tuổi, bình thường theo Nhà nước là nghỉ hưu lâu rồi".

Ông Trần Đình Long tại phiên họp thường niên của Hòa Phát năm 2024, ngày 11/4. Ảnh: HPG

Ông Trần Đình Long tại phiên họp thường niên của Hòa Phát năm 2024, ngày 11/4. Ảnh: HPG

Thay vì trả lời chi tiết số liệu kinh doanh, ông Long chia sẻ với cổ đông nhiều hơn về những vấn đề mang tính định hướng, chiến lược của "vua thép".

"Hòa Phát có ý định mở rộng đầu tư ngoài ngành", "có định kết hợp với các công ty hóa chất làm pin", "có định làm nhà máy nhôm hay mở rộng các mảng khác như nông nghiệp"..., những thắc mắc này được nhiều cổ đông đề cập. Còn ông Long trả lời các câu hỏi này chỉ có một đáp án: Hòa Phát trong ngắn hạn chỉ tập trung vào thép.

"Thị trường thép đang rất khốc liệt, nên trong ngắn hạn 5-10 năm tới, Hòa Phát sẽ dồn toàn lực", Chủ tịch Hòa Phát nói.

Câu trả lời này có phần đi ngược với tuyên bố của ông Long cách đây hai năm - "không ai có thể làm thép mãi được". "Vậy chiến lược của Hòa Phát có phải đã thay đổi?", một cổ đông thắc mắc.

Theo tỷ phú giàu thứ ba Việt Nam, chiến lược đa ngành là không thay đổi, nhưng đó là chiến lược. Còn sách lược ở từng thời điểm cụ thể sẽ có bước đi khác nhau. "Ngắn hạn đang khó khăn nên chúng tôi dồn toàn lực cho ngành thép", ông Long nhắc lại.

2023, ngành thép suy giảm về cả doanh thu và lợi nhuận do gặp khó khăn khi giá thế giới lao dốc, tạo sức ép lên mặt bằng trong nước. Nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng chậm lại từ cuối năm 2022 khi thị trường bất động sản ảm đạm. Doanh thu của "vua thép" năm trước chỉ đạt hơn 120.000 tỷ đồng, giảm 16%, với lợi nhuận hơn 6.800 tỷ, giảm 19%.

Năm nay, Hòa Phát dự báo ngành thép vẫn còn khó khăn, do thị trường bất động sản chưa khởi sắc, cùng tình trạng dư thừa công suất trên thế giới, đặc biệt là các nước đứng đầu về sản lượng như Trung Quốc.

Riêng quý I, theo ông Long, sản lượng thép sản xuất trong nước đạt hơn 2 triệu tấn nhưng riêng thép nhập khẩu đã hơn 3 triệu tấn, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc hơn 2,3 triệu tấn. "Giá thép trên thị trường trung bình khoảng 550 USD mỗi tấn thì có doanh nghiệp Trung Quốc bán giá 510, thậm chí 490 USD", ông Long kể.

Với những mảng kinh doanh khác ngoài thép của Hòa Phát, chiến lược trong ngắn hạn cũng là tập trung hoạt động, không mở rộng.

Như bất động sản, Hòa Phát cho biết chỉ tập trung vào bất động sản nhà ở và khu công nghiệp, với các dự án đã hoàn tất về pháp lý, không mở rộng thêm danh mục đầu tư. Mảng nông nghiệp cũng tương tự. Dù những mảng này đóng góp dưới 10% về doanh thu, ông Long khẳng định Hòa Phát "không có ý định thoái vốn ở hiện tại".

Phiên họp cổ đông thường niên năm 2024 của Hòa Phát tổ chức sáng 11/4, tại Hà Nội. Ảnh: HPG

Phiên họp cổ đông thường niên năm 2024 của Hòa Phát tổ chức sáng 11/4, tại Hà Nội. Ảnh: HPG

Có cổ đông lo ngại về khả năng tiêu thụ khi thép nhập khẩu xâm nhập thị trường ngày càng nhiều, còn dự án Dung Quất II của Hòa Phát sắp đi vào hoạt động. Trả lời, lãnh đạo Hòa Phát nói công ty "sẽ uyển chuyển, linh hoạt trong chiến lược với mục tiêu bán được hết sản phẩm". Ông cũng nói thêm, lợi thế của thép Hòa Phát ở thị trường bên ngoài là câu chuyện xuất xứ.

"Vậy còn tương lai xa hơn?", một cổ đông hỏi tiếp. Trả lời, ông Long cho biết tương lai của Hòa Phát là làm thép chất lượng cao, khó và cần đầu tư lớn. Công ty sẽ không đi theo hướng sản xuất đơn giản mà tập trung vào các sản phẩm cần đầu tư, chất lượng cao, như thép cho xe điện, biến thế, thép cho đường ray cao tốc chạy được 800-1.000 km/h.

Năm nay, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 47% so với thực hiện năm 2023. Công ty cũng dự kiến chia cổ tức 10%.

Theo Chủ tịch Hòa Phát, những năm qua tập đoàn phải dành nguồn lực cho đầu tư các dự án lớn, nên chia cổ tức bằng cổ phiếu. Quan điểm của Hòa Phát là hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và cổ đông. "Nếu kết quả kinh doanh khả quan, từ năm 2025, Hòa Phát sẽ quay lại chia cổ tức bằng tiền mặt", ông Long nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm