Tài chính

Kinh tế trưởng ADB: Tỷ giá biến động trong biên độ cho phép, chưa đến mức phải bán ngoại tệ để can thiệp

 

 Ảnh minh hoạ: SeABank.

 

Tại sự kiện công bố báo cáo Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) diễn ra sáng nay (11/4), ông Ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng tại Việt Nam của ADB, đã đưa ra đánh giá về diễn biến nóng của tỷ giá đầu năm 2024.

 

Cụ thể, ông cho biết cần phải xác định rằng việc tỷ giá biến động là “hết sức bình thường”, bởi tỷ giá phụ thuộc vào kinh tế khu vực và thế giới. “Khi mà NHTW đã đề ra biên độ dao động 5% thì các biến động tỷ giá nằm trong biên độ thì đã thuộc khoảng chính sách có đánh giá từ trước”, ông nói. 

“Chúng ta phải hiểu chính sách tỷ giá không thể đứng yên được, bởi không phụ thuộc hoàn toàn vào một nền kinh tế mà là diễn biến chung”, ông nói thêm.

Về diễn biến tỷ giá gần đây, ông Hùng cho biết bản thân chỉ số USD Index (DXY) từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 3%. “Do vậy, áp lực dẫn đến USD tăng so với VND là do chính bản thân đồng USD”, ông Hùng nhấn mạnh.

Tỷ giá nóng trong bối cảnh chỉ số DXY tăng lên. (Ảnh: WiChart).

Đ

ại diện của ADB cho rằng biến động tỷ giá vừa qua là do yếu tố lịch sử, mùa vụ của thị trường Việt Nam. Thông thường vào quý I cầu ngoại tệ cũng sẽ tăng, là hệ quả do kết thúc năm tài chính và những nhu cầu như đầu tư, cất trữ ngoại tệ của người dân,… 

“Diễn biến tỷ giá là phù hợp với xu hướng chung và nằm trong biên độ NHNN đã có biện pháp chính sách. Tỷ giá chưa đến mức mà chúng ta phải lo lắng về việc sử dụng ngoại tệ để can thiệp”, ông nhận định.

CPI tháng 3 của Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước và 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones dự đoán CPI tăng 0,3% so với tháng 2 và 3,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi tăng 0,4% so với tháng 2 và 3,8% so với một năm trước. Ước tính của các nhà kinh tế lần lượt là 0,3% và 3,7%.

Báo cáo CPI nóng bỏng đã khiến thị trường lùi thời điểm Fed hạ lãi suất lần đầu tiên từ tháng 6 xuống tháng 9/2024.

Khi được hỏi về báo cáo lạm phát tháng 3 cao hơn dự kiến tại Mỹ sẽ ảnh hưởng gì tới triển vọng lãi suất, tỷ giá của Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc ADB Việt Nam, cho biết: “Việc các NHTW lớn, là đối tác thương mại của Việt Nam trì hoãn bình thường hóa chính sách tiền tệ chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam".

Đồng thời, ông cho biết lạm phát tại Mỹ cao hơn dự kiến cũng sẽ có thể gây áp lực lên tiền đồng. Nhìn lại năm 2023, VND đã tương đối ổn định và mất giá khoảng 3%.  

Lạm phát cao sẽ khiến Fed duy trì lãi suất cao hơn, trong thời gian lâu hơn và khiến USD mạnh lên. ADB dự báo chính sách tiền tệ sẽ có xu hướng trở lại trạng thái bình thường vào nửa cuối năm nay. 

“Trong tương lai, nếu nếu lãi suất tại các nước lớn vẫn được duy trì ở mức cao, chúng ta có thể kỳ vọng tiền đồng sẽ mất giá nhiều hơn....Việc Fed bình thường hóa chính sách tiền tệ sẽ giúp giảm chênh lệch lãi suất USD - VND và giảm phần lớn lo ngại về việc tiền đồng mất giá”, ông Chakraborty nhận định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm