Doanh nghiệp

Áp lực đơn hàng phải "xanh" nhưng giá không tăng

Chủ tịch công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trần Như Tùng cho biết những năm gần đây khách quốc tế đặt hàng yêu cầu rất nhiều về ESG, tức bộ tiêu chí về môi trường, quản trị, xã hội.

"Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vừa lo chi phí nhân sự còn phải lo bền vững với chi phí cao. Mình làm xanh, sạch hơn nhưng khách hàng cũng không muốn giá tăng nên đó là áp lực rất lớn", ông Tùng nói tại Hội nghị Phát triển bền vững 2024 mới diễn ra của Forbes Việt Nam.

Thành Công có nhà máy nhuộm. Hàng năm, ngoài vạch kế hoạch doanh thu thì họ còn phải có kế hoạch cụ thể về bền vững, cam kết giảm CO2 cho nhà máy. "Nhiều khách hàng châu Âu muốn thấy trách nhiệm và hành động cụ thể", ông Tùng nói.

Do vậy, nhà máy phải đầu tư xử lý nước thải, hóa chất, giảm năng lượng tiêu thụ bằng cách thay một phần than đá dùng trong lò hơi bằng biomass. Cứ đổi 10% than sang biomass thì họ giảm được 2.500 tấn CO2 phát thải mỗi năm.

Không chỉ sản xuất, một doanh nghiệp gia công phần mềm lớn tại TP HCM năm qua nhận đột biến đến 5 khảo sát bền vững từ các khách hàng lớn ở Mỹ. Các khảo sát xoay quanh 3 nội dung: nhận thức về kiểm soát tiêu thụ năng lượng, khí thải; cách đo lường - giải pháp hạn chế và kế hoạch sắp tới.

"Phần đông đánh giá chúng tôi có nhận thức nhưng còn ít hành động. Chưa ràng buộc gì nhưng mức độ quan tâm của đối tác ngày càng nhiều. Chúng tôi cắt cử một nhân sự chuyên phụ trách trả lời các khảo sát ESG này", Đại diện công ty nói.

Đánh giá tại một diễn đàn xúc tiến đầu tư đầu tháng này, Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nói yêu cầu về ESG đang "rất cấp bách". Qua tiếp xúc với các hội doanh nghiệp và công ty nước ngoài, ông cho biết đối tác quốc tế cũng lo lắng về khả năng đáp ứng các tiêu chí bền vững của các nhà cung cấp Việt Nam. Bởi nếu hàng Việt không kịp xanh thì chi phí nhập hàng của họ cũng tăng hoặc không mua được do các hàng rào xanh trong thương mại.

Công nhân tại một công ty may mặc vào tháng 2/2024. Ảnh: Ngọc Thành

Công nhân tại một công ty may mặc vào tháng 2/2024. Ảnh: Ngọc Thành

Theo các chuyên gia, yêu cầu về bền vững ngày càng dày đặc, mang tính bắt buộc cao hơn trong bối cảnh đơn hàng vẫn hồi phục chậm, cạnh tranh giữa các trung tâm sản xuất ngày càng nhiều, từ Đông Nam Á đến Nam Á hay Mỹ Latinh. Nói cách khác, tăng giá lúc này là hầu như không thể dù hàng phải xanh hơn.

Ví dụ, hiện các doanh nghiệp có khách hàng nước ngoài tự nguyện tuân theo các tiêu chuẩn và khung hướng dẫn báo cáo phát triển bền vững như: Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI), Lực lượng Chuyên trách các Báo cáo Tài chính liên quan đến Khí hậu (TCFD), Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Bền vững (SASB).

Tuy nhiên, đến 2026, nhiều doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải tuân thủ Chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững, gọi tắt là Chỉ thị CSRD của Liên minh châu Âu. Chỉ thị này còn yêu cầu thực hiện đảm bảo số liệu báo cáo bởi bên thứ ba độc lập để tránh tình trạng chỉ báo cáo những mặt tích cực, bỏ sót thông tin.

Theo hãng kiểm toán PwC, với việc một lượng lớn doanh nghiệp Việt Nam nằm trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp hoạt động tại châu Âu, Chỉ thị CSRD sẽ đòi hỏi họ đẩy mạnh việc chuẩn bị số liệu và lập báo cáo phát triển bền vững để cung cấp cho công ty mẹ hoặc doanh nghiệp đối tác tại châu Âu khi có yêu cầu.

"Chỉ thị CSRD đang và sẽ có tác động mạnh mẽ ở Việt Nam vì trong bối cảnh hiện nay, kim ngạch thương mại hai chiều EU - Việt Nam ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực", nhóm chuyên gia nhận định.

Cùng thời điểm 2026, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu sẽ thực hiện đầy đủ. Đồng thời, Dự luật S.4335 "Đạo luật Cạnh tranh sạch" của Mỹ dự kiến được áp dụng với cả hàng hóa sơ cấp và thành phẩm của 12 ngành.

Chỉ còn 2 năm nữa và nắm được tầm quan trọng của chuyển đổi xanh, nhưng nhìn chung doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng cho việc kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính, theo PwC. Trong số các doanh nghiệp thuộc rổ chỉ số VN100, chỉ 12 doanh nghiệp đã thực hiện kiểm kê ở Phạm vi phát thải 1 và 2, và chỉ có 7 doanh nghiệp đề cập đầy đủ phát thải Phạm vi phát thải 1, 2 và 3.

Phạm vi 1 là phát thải trực tiếp từ hoạt động của tổ chức, như từ nhà máy, phạm vi 2 là gián tiếp từ việc mua năng lượng và 3 là gián tiếp từ các hoạt động liên quan đến chuỗi giá trị. Ngoài ra, các hạn chế về bảo vệ đa dạng sinh học, quyền lợi lao động hay quản trị con người cũng còn phổ biến trong doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cho rằng họ cần nhiều hỗ trợ hơn để giữ đơn hàng, trong bối cảnh cạnh tranh về giá mà còn phải xanh. "Chúng ta cần đơn hàng nên phải đầu tư phát triển bền vững nhưng cần chính sách đồng hành", ông Trần Như Tùng nói. Phó chủ tịch Vitas ví dụ doanh nghiệp thực hành giảm carbon tốt thì nên được ưu đãi thuế, lãi vay để có nguồn lực đầu tư xanh hóa.

Về dài hạn, phát triển nền kinh tế carbon thấp sẽ góp phần củng cố cạnh tranh cho Việt Nam. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần 368 tỷ USD đến 20240 tương đường 68% GDP để triển khai. "Đây là số tiền rất lớn, đòi hợp phải có hợp tác công - tư", Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định.

Để thu hút nguồn lực và hợp tác thành hình, chuyên gia ADB cho rằng khuôn khổ pháp lý về thu hút đầu tư xanh, cơ chế thị trường tài chính xanh cần rõ ràng hơn. Việt Nam cũng cần nêu rõ kế hoạch, mục tiêu và định lượng cụ thể hơn về chính sách phát triển xanh của mình sau cam kết Net Zero vào 2050.

Trong lúc này, đầu tàu kinh tế đang có kế hoạch gióng lên chú ý và phổ cập kiến thức đến cộng đồng doanh nghiệp. "Tôi đề nghị ITPC (Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM) nghiên cứu tổ chức tập huấn về ESG cho các doanh nghiệp trên địa bàn trong năm nay. Sau đó, biên soạn tài liệu về ESG để phổ biến cho các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố. Chúng ta phải sẵn sàng", Phó chủ tịch Võ Văn Hoan nêu trong một diễn đàn hôm 4/4.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm