Doanh nhân

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thêm hơn 2.000 tỷ đồng trong ngày thị trường phục hồi mạnh

Sau phiên bán tháo đầu tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên giao dịch ngày 20/9 phục hồi mạnh. Chỉ số VN-Index kết phiên tăng đến 13,5 điểm (1,12%) lên mức cao nhất trong ngày tại 1.218,93 điểm. HNX-Index cũng diễn biến tương tự khi tăng ngược 2,65 điểm (1,01%) đạt 266,91 điểm. UPCoM-Index tăng 0,2% lên 88,51 điểm.

Dù thị trường phục hồi mạnh nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn rất thận trọng. Tổng giá trị giao dịch giảm 34% so với phiên giao dịch ngày 19/9 về mức 12.827 tỷ đồng. Trong đó khớp lệnh trên sàn HoSE rơi về mức rất thấp 9.559 tỷ đồng, giảm 36% so với phiên giao dịch đầu tuần.

Trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi mạnh sau phiên bán tháo đầu tuần, cổ phiếu nhóm Vingroup tiếp tục đà phục hồi khi VIC của Tập đoàn Vingroup có thêm 1,6% để đóng cửa ở mức giá 63.900 đồng, đây cũng là phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp của VIC và có tác động lớn vào đà phục hồi của chỉ số VN-Index, trong khi đó, VHM của Vinhomes lấy lại 0,9% giá trị lên 58.900 đồng.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thêm hơn 2.000 tỷ đồng trong ngày thị trường phục hồi mạnh - 1

Khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng chỉ sau 2 phiên giao dịch đầu tuần

Đà tăng của VIC trong phiên giao dịch ngày 20/9 không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông doanh nghiệp. Đà tăng này còn giúp khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận mức tăng thêm 2.156 tỷ đồng khi tỷ phú giàu nhất Việt Nam đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu gần 2,156 tỷ cổ phiếu VIC.

Chỉ sau hai phiên giao dịch đầu tuần, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận tăng thêm hơn 3.018 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 20/9, khối tài sản của người giàu nhất Việt Nam đang sở hữu có trị giá hơn 137.762 tỷ đồng.

Theo Forbes, trong ngày 20/9, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận mức tăng thêm 76 triệu USD. Tỷ phú 54 tuổi người Hà Tĩnh đang sở hữu khối tài sản trị giá 4,8 tỷ USD và đứng thứ 537 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.

Trong khi đó, sau phiên phục hồi của thị trường chứng khoán ngày 20/9, nhận định về xu hướng thị trường phiên giao dịch tiếp theo chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) nhận định lực cầu bắt đáy sớm nhập cuộc quanh ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm đã giúp cho chỉ số VN-Index sớm xuất hiện một nhịp hồi phục kỹ thuật trong phiên 20/9.

Mặc dù cơ hội mở rộng nhịp hồi phục đang có phần chiếm ưu thế, VN-Index nhiều khả năng sẽ sớm gặp áp lực điều chỉnh rõ nét hơn khi tiếp cận vùng 1.220-1.230 điểm, hiện đã đảo vai trò là ngưỡng cản gần của chỉ số.

Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong các nhịp hồi sớm và khống chế tỷ trọng ở mức an toàn.

Chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục hồi phục và VN-Index có thể sẽ kiểm định vùng 1.240-1.243 điểm trong phiên kế tiếp.

Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao, mặc dù VN-Index đã giữ được mức 1.200 điểm, nhược điểm là dòng tiền vẫn suy yếu và lực cầu gia tăng chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm nhẹ cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn đang bi quan với xu hướng hiện tại.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức GIẢM. Do đó, Yuanta Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục đứng ngoài và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp 30-35% danh mục.

Trong khi đó, chuyên gia của CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đánh giá tâm lý thị trường ngắn hạn vẫn khá bi quan khi các vị thế giao dịch lướt sóng T2 trung bình giá vẫn đang chịu áp lực thua lỗ.

Hiện tại vùng hỗ trợ tâm lý của VN-Index là vùng 1.200 – 1.211 điểm tương ứng giá cao nhất năm 2018. Trong ngắn hạn VN-Index vẫn giao dịch dưới xu hướng giảm giá với vùng hỗ trợ tâm lý 1.200 -1.211 điểm, vùng kháng cự quanh 1.228 – 1.235 điểm. Cần có lực cầu mạnh mới có thể kỳ vọng chỉ số vượt được vùng kháng cự này khi phục hồi trong những phiên tới.

Trên góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất. Nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý, chờ thêm các thông tin mới về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khi quý 3/2022 gần kết thúc, các thông tin vĩ mô, tăng trưởng GDP... cũng như xu hướng của thị trường chung cải thiện tốt hơn mới xem xét gia tăng thêm tỉ trọng đầu tư đối với các mã có tiềm năng tăng trưởng tốt.

Chia sẻ
Theo Hoàng Nam (Arttimes)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm