Hiếm có ngày nào mà gia tộc giàu có nhất thế giới Walton không bán ra cổ phiếu: hôm thì 99 triệu USD (hơn 230 tỷ VNĐ), hôm thì 146 triệu USD (hơn 340 tỷ VNĐ). Tính riêng trong tuần trước, gia đình này bán khoảng 294 triệu USD (gần 700 tỷ VNĐ) cổ phiếu. Và trong vòng 7 tháng qua, họ giải ngân 6 tỷ USD cổ phiếu Walmart. Tuy nhiên, số tiền này cũng chỉ như muối bỏ bể so với khối tài sản nhà Walton nắm giữ khi họ là cổ đông lớn nhất của hãng bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart. Chỉ riêng năm qua, lãi từ cổ phiếu này cũng đã đem về cho gia tộc Walton 23 tỷ USD.
Số tài sản tích luỹ đến giờ là thế thệ thứ 3 của nhà Walton lớn hơn của các siêu tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay là Elon Musk và Jeff Bezos. Đồng thời, họ cũng bỏ xa gia tộc giàu số 2 thế giới là Mar với 100 tỷ USD. Theo một thống kê năm 2019, mỗi phút gia tộc Walton kiếm được 70.000 USD, 1 giờ được 4 triệu USD và 1 ngày được 100 triệu USD.
Số tiền mỗi phút, giờ và ngày mà nhà Walton kiếm được vào năm 2019. Nguồn: MarketWatch
Người xây dựng nên đế chế Walton là Sam Walton, một người xuất thân từ gia đình nông dân. Lớn lên trong thời kỳ Đại suy thoái đầu thế kỷ trước, Sam Walton kiếm sống bằng nghề vắt sữa và giao báo. Vào năm 1945, ở tuổi 26, ông đã dồn số tiền tích cóp được để mua cửa hàng tạp hoá Ben Franklin, viên gạch đầu tiên của Walmart hiện nay. Khái niệm kinh doanh bán lẻ tiên phong lúc bấy giờ của ông là đánh bại đối thủ về giá và bày bán càng nhiều mặt hàng càng tốt. Đây cũng là một trong những tôn chỉ hoạt động của Walmart hiện nay.
Sam Walton, người sáng lập chuỗi siêu thị giá rẻ Walmart
Trong khi nhiều tỷ phú chứng kiến khối tài sản chao đảo vì dịch bệnh, lạm phát hay tăng trưởng giảm tốc thì những đại gia tộc như nhà Walton lại trở thành ngư ông đắc lợi. Theo Blooberg trong vòng một năm qua những gia đình giàu có nhất trên thế giới đã tăng 312 tỷ USD giá trị tài sản. Những gia đình như Walton hay Mar tài sản do nhiều thế hệ truyền lại nên thường nắm giữ nhiều cổ phần của các doanh nghiệp bán lẻ, thực phẩm, dược hay năng lượng… đều là những ngành “chắn bão” trong khủng hoảng. Trong khi đó, tài sản của gia tộc danh giá Rockefellers khó theo dõi hơn do trải quá rộng trên nhiều ngành, trong đó có một số là những ngành kinh doanh kín, ít người có cơ hội tiếp xúc.
Một trong những lý do mà những gia tộc như Walton truyền lại được khối tài sản tích luỹ nhiều năm cho con cháu mà không bị mai một là do mức thuế thừa kế và thuế thu nhập trong giới siêu giàu thuộc top 0,001% ở Mỹ vẫn còn thấp so với khối tài sản khổng lồ của họ. Một khi mức thuế thay đổi sẽ định hình lại khối tài sản của các đại gia tộc. Điển hình là đại gia tộc họ Lee đứng sau đế chế Samsung. Gia đình họ Lee đã trượt xuống phía dưới bảng xếp hạng gia đình siêu giàu của Bloomberg sau khi phải nộp khoản thuế thừa kế 11 tỷ USD.