"Khách hàng lớn nhất của tôi, cũng là nơi mang lại nhiều tiền nhất, là trong lĩnh vực hàng không", Tom Persky, người sáng lập Floppydisk.com, website chuyên bán và tái chế đĩa mềm, nói với tạp chí Eye On Design. "Họ dùng đĩa mềm để nhập thông tin vào và lấy thông tin khỏi hệ thống".
Persky đang là một trong những người cuối cùng tham gia ngành kinh doanh đĩa mềm. Gần đây, ông xuất bản cuốn sách liên quan đến chủ đề này có tên Floppy Disk Fever (Cơn sốt đĩa mềm).
"Với ngành hàng không, có lẽ khoảng một nửa đội bay trên toàn thế giới vẫn sử dụng đĩa mềm trong một số thiết bị điện tử. Đây vẫn là thị trường có lượng tiêu thụ khổng lồ", Persky nói.
Bên cạnh ngành hàng không, Persky cũng tiết lộ ngành y tế là lĩnh vực có sức tiêu thụ đĩa mềm lớn thứ hai. Nhóm thứ ba là những người thích sưu tầm chúng. "Họ sẵn sàng bỏ tiền để mua 10, 20 hay thậm chí là 50 đĩa mềm mỗi lần", Persky chia sẻ.
Trước đó, Taro Kono, Bộ trưởng kỹ thuật số Nhật Bản, cho biết chính phủ nước này vẫn đang sử dụng đĩa mềm cho các thủ tục hành chính. "Có khoảng 1.900 thủ tục của chính phủ yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp phải sử dụng các loại đĩa, như đĩa mềm, CD, MD (miniDisc)... để nộp đơn hoặc các hình thức khác", ông cho hay.
Theo Kono, chính phủ đang nỗ lực để loại bỏ đĩa mềm khỏi các hệ thống công nghệ thông tin và thay bằng hình thức lưu trữ trực tuyến mới hơn. Dự kiến, vấn đề sẽ được giải quyết vào cuối năm nay.
Đĩa mềm từng được sử dụng trong các hệ thống quân sự trước khi bị loại bỏ gần đây. Năm 2016, Văn phòng Kế toán Chính phủ Mỹ (GAO) xác nhận, Bộ Quốc phòng nước này vẫn dùng đĩa mềm trong một hệ thống hạt nhân quốc gia. Các máy tính IBM Series 1 lần đầu tiên được giới thiệu năm 1976 với ổ đĩa mềm 8 inch tiếp tục được dùng trong hàng chục năm.
Tại sao đĩa mềm vẫn được chuộng?
Đĩa mềm ra đời từ những năm 1960 nhưng đã bị "khai tử" hơn chục năm nay và thay bằng các giải pháp lưu trữ hiệu quả hơn. Theo thống kê, phải cần 20.000 đĩa mềm mới tương đương một thẻ nhớ 32 GB.
Theo Persky, đối với ngành hàng không, vấn đề liên quan đến thời gian sản xuất máy bay. "Những năm 1990, hàng trăm nghìn máy móc công nghiệp được chế tạo có tích hợp đĩa mềm. Đó là công nghệ cao khi đó", Persky giải thích. "Nhiều máy bay hoặc hệ thống vận hành được sản xuất ở giai đoạn này, khi đĩa mềm là thiết bị lưu trữ phổ biến. Bạn không thể thiết kế một chiếc máy bay với tuổi thọ ngắn. Khi chế tạo một cỗ máy công nghiệp lớn, nó ít nhất phải có tuổi thọ 50 năm".
Bên cạnh đó, việc các hãng hàng không vẫn chuộng sử dụng đĩa mềm còn liên quan đến vấn đề bảo mật. The Verge dẫn lời một chuyên gia bảo mật rằng, các hãng hàng không cũng như các hệ thống thuộc chính phủ vẫn tồn tại quan niệm công nghệ càng thấp, mức độ an toàn càng cao. Việc sử dụng đĩa mềm sẽ hạn chế khả năng bị hacker tấn công, nhiễm virus máy tính hoặc nhiều vấn đề khác.
Ngoài ra, với Nhật Bản, BBC cho rằng có một số nguyên nhân khiến quốc gia này trung thành với đĩa mềm, trong đó có bảo thủ, không chịu thay đổi trước công nghệ.