USD quốc tế neo cao
USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 108,20 theo ghi nhận lúc 6h30 (giờ Việt Nam).
Tỷ giá euro so với USD giảm 0,06% ở mức 1,0034. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,12% ở mức 1,1817. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,04% ở mức 136,98.
Theo tính toán của Reuters và dữ liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ, vị thế mua ròng của các nhà đầu cơ đối với đồng USD đã tăng trong tuần gần nhất trong khi bán ròng đồng euro lại tăng.
Dữ liệu của CFTC cho thấy giá trị của vị thế mua ròng USD đã tăng lên 13,37 tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 16/8 từ mức 12,97 tỷ USD của tuần trước đó, trong khi bán ròng euro đã tăng lên 42.784 hợp đồng, lớn nhất kể từ tháng 2/2020.
Cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuối tháng 7 đã kích hoạt dòng chảy hai chiều mạnh mẽ vào đồng bạc xanh, mặc dù cơ quan này đã tăng lãi suất điều hành thêm 75 điểm cơ bản. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết dựa trên sức mạnh của thông tin việc làm, ông không tin rằng nền kinh tế Mỹ đang suy thoái và suy thoái không nhất thiết phải có để chế ngự lạm phát siêu nóng.
Biên bản cuộc họp tháng 7 cho thấy Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tới nhưng tốc độ tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào dữ liệu ở từng thời điểm. Cho đến nay, biên bản của Fed vẫn hỗ trợ cho đồng USD.
Những quan điểm đang xuất hiện trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cũng nhận định về việc lãi suất sẽ tăng cao như thế nào và chưa có đủ thông tin cho một cuộc suy thoái toàn diện nhưng quyết tâm kiềm chế lạm phát của các nhà hoạch định chính sách là không thể chối cãi. Đó là lý do tại sao lợi suất kho bạc đã có thể phục hồi từ mức thấp nhất, khiến đồng USD vốn được hưởng lợi từ các dòng tiền an toàn lại có thêm lực hỗ trợ.
Trong khi đó đồng euro đang trên đà đi xuống do khu vực này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng cấp tính và nguy cơ suy thoái gia tăng. Kể từ đầu năm, đồng tiền chung của châu Âu đã giảm gần 12% so với USD.