Dự trữ ngoại hối chỉ còn khoảng 87 tỷ USD
Tại tọa đàm "Thị trường chúng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới", do VietnamBiz, Vietnammoi và CTCP WiGroup, công ty chuyên về phát triển dữ liệu kinh tế, phối hợp tổ chức, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup đã có những nhận định về dự trữ ngoại hối cũng như dự báo về tỷ giá và lãi suất từ nay đến cuối năm.
Ông cho biết toàn cầu kỳ vọng năm 2023 Fed sẽ giảm lãi suất, tuy nhiên sau đợt tăng lãi suất vừa rồi cùng quan điểm của Chủ tịch Fed, kỳ vọng về lãi suất đã lập tức thay đổi. Như vậy Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, Việt Nam để ổn định tỷ giá cũng sẽ tăng lãi suất theo.
"Chỉ trong hai tháng mọi kỳ vọng của thị trường đã đảo lộn hoàn toàn và phải thừa nhận Fed sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cao như này một năm nữa, không thể xoa dịu nhanh", chuyên gia nói
Tuy nhiên, theo ông Báu vấn đề tăng lãi suất chỉ là bề nổi, vấn đề khác mà thị trường không chú ý là các ngân hàng trung ương (NHTW) từ tháng 5, tháng 6 bắt đầu triển khai thu hẹp bảng cân đối kế toán. Bản thân Fed đã giảm 2.000 tỷ USD từ bảng cân đối kế toán. Điều này giúp Mỹ kiểm soát lạm phát về vùng mục tiêu nhanh hơn nhưng áp lực thắt chặt lây lan sang các quốc gia khác.
Áp lực này sẽ ảnh hưởng đầu tiên đến các quốc gia đã phát triển chứ không phải quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Các quốc gia đã phát triển bị tổn thương nhiều hơn trong giai đoạn đầu khi Fed tăng lãi suất trong khi các nước đang phát triển, mới nổi như Việt Nam mới bị tổn thương từ tháng 5/2022 đến nay.
Đến thời điểm hiện tại mặt bằng chung nhìn chung mất giá của các quớc gia mới nổi là 6%, Việt Nam là 4%. Nhìn chung Việt Nam vẫn kiểm soát tỷ giá rất tốt.
"Hiện NHNN phải bán dự trữ ngoại hối liên tục. Bản thân NHNN đã phải ba lần nâng giá chào bán lên vì không chịu nổi nhiệt với tốc độ giảm của dự trữ ngoại hối, nhưng tỷ giá vẫn không giảm nhiệt dẫn đến tình trạng đến thời điểm hiện tại dự trữ ngoại hối giảm rất nhanh", ông Báu phân tích.
Theo số liệu của NHNN, dự trữ ngoại hối tính đến tháng 5 còn trên 100 tỷ USD và tới thời điểm hiện tại theo ông Báu, mức hiện tại chỉ còn khoảng 87 tỷ USD (chưa đầy 3 tháng nhập khẩu), tức NHNN đã phải bán ra 23 tỷ USD trong thời gian qua.
Chuyên gia cho hay theo chuẩn của IMF, một quốc gia có dự trữ ngoại hối an toàn nằm ở khoảng 3 tháng nhập khẩu. Ước tính trung bình trong 10 năm qua dự trữ ngoại hối bình quân dao động từ 2,5 tháng, thời điểm cao nhất lên tới 5 tháng nhập khẩu.
"Nếu tỷ lệ này chạm đến dưới 2,5 tháng chúng ta sẽ thấy được sự tiêu cực bắt đầu lây lan rõ rệt hơn", ông nói thêm.
Tỷ giá từ giờ đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng lên
Theo CEO WiGroup, mặc dù dự trữ ngoại hối đã giảm như vậy nhưng đến thời điểm hiện tại tỷ giá vẫn không hề giảm. Thậm chí từ tuần thứ 2 của tháng 9, tất cả các tỷ giá của thị trường mới nổi và USD Index đều vọt tăng rất nhanh, gây áp lực lên tỷ giá tại Việt Nam.
"Thời gian tới tỷ giá trong nước sẽ chưa thể xoa dịu được do đồng USD tăng rất mạnh trong khi dư địa về dự trữ ngoại hối không còn nhiều, không thể hỗ trợ cho tỷ giá được nữa. Từ giờ đến cuối năm tỷ giá sẽ tiếp tục tăng lên nữa, tỷ giá bán ra của NHNN phải tiếp tục nhấc lên", ông nhận định.
Cùng với tỷ giá, theo ông Báu, trong thời gian tới NHNN sẽ còn tiếp tục phải nâng lãi suất lên nữa. Từ đầu năm 2022, lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu đã tăng từ ở mức gần 0% lên trung bình từ 5- 6% và với chính sách hiện tại thì khó về dưới 4%.
Nhìn tổng thể, tăng trưởng quý IV/2022 chậm lại và 2023 sẽ chậm lại rõ rệt hơn. Lạm phát tiếp tục trong tầm kiểm soát trong năm nay. Năm 2023, lạm phát tương đối căng thẳng, một số tổ chức cho rằng có thể lên tới 4,1%, trên mức mục tiêu của Chính phủ.
"Cá nhân tôi cho rằng lạm phát năm 2023 sẽ dưới 4%. Lạm phát và tăng trưởng kinh tế về cơ bản không phải rào cản lớn làm cho dòng tiền sụt đi mà đến từ yếu tố tỷ giá", ông Báu nhận định.