Chính phủ Anh đã đưa ra kế hoạch cắt giảm thuế được nhận định là táo bạo chưa từng có ở Anh kể từ năm 1972, cùng với kế hoạch vay nợ quy mô lớn. Theo đó, thị trường tài chính ngay lập tức có phản ứng mạnh và đồng bảng Anh cũng sụt giá xuống mức thấp kỷ lục.
Các biện pháp mới được đưa ra nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mức ngân sách được công bố vào hôm 23/9 đã làm dấy lên mối lo ngại rằng kế hoạch của tân Thủ tướng Liz Truss có thể khiến tình hình lạm phát căng thẳng hơn, ảnh hưởng đến khả năng tài chính của nhà nước và thậm chí còn tạo ra diễn biến tiêu cực cho đồng bảng Anh, gây áp lực lên NHTW.
Tại sao đồng bảng Anh sụt giá?
Kế hoạch cắt giảm thuế không nằm trong dự báo của các nhà kinh tế. Theo đó, mức thuế thu nhập cao nhất đối với các loại hình thuế doanh nghiệp và khác sẽ sụt giảm. Bà Truss lập luận rằng, những thay đổi này sẽ thúc đẩy nền kinh tế, ngăn chặn suy thoái và đưa nước Anh thoát khỏi 1 thập kỷ trì trệ.
Kế hoạch được Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng công bố bao gồm việc chính phủ ban đầu sẽ chi 200 tỷ bảng (250 tỷ USD) để cắt giảm thuế và hỗ trợ chi phí khí đốt và điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 10. Ngay lập tức, đồng bảng Anh giảm hơn 3%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985. 2 ngày sau đó, ông bình luận rằng chính phủ “vẫn còn nhiều kế hoạch hơn nữa”, thì tỷ giá đồng bảng Anh so với USD lại giảm thêm gần 5% xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 1,0350 USD, sau đó hồi phục lên 1,07 USD.
Đồng bảng Anh xuống mức thấp chưa từng có sau khi chính phủ Anh công bố kế hoạch cắt giảm thuế.
Bối cảnh nền kinh tế Anh
Thị trường lo ngại rằng việc chính phủ chi tiêu mạnh cho kế hoạch kích thích tài khoá sẽ làm tăng thêm áp lực giá, khi NHTW Anh (BOE) đang cố gắng kiềm chế lạm phát. Tỷ lệ lạm phát ở Anh đã ở mức 9,9% vào tháng 8, gần gấp 5 lần mục tiêu của NHTW và gần như cao nhất trong 40 năm.
Các nhà đầu tư cũng lo ngại rằng khoản ngân sách mà chính phủ dự định chi tiêu sẽ đẩy tình hình nợ của đất nước vào tình trạng không bền vững. Điều kiện tài chính của Anh vốn đã căng thẳng sau đợt chi tiêu khẩn cấp để ứng phó với đại dịch, đi kèm với đó là giá năng lượng tăng vọt và chi phí liên quan đến cuộc bỏ phiếu Brexit.
Trong khi đó, sản lượng kinh tế của Anh lại ở mức thấp trong nhiều năm so với các quốc gia khác trong châu Âu.
Mục tiêu của chính phủ Anh là gì?
Mục đích của việc cắt giảm thuế là tạo ra một nền kinh tế năng động hơn, sau đó làm tăng doanh thu thuế và tiếp tục kiểm soát hoạt động vay nợ.
Các kế hoạch của chính phủ do đảng Bảo thủ lãnh đạo đã nhận được nhiều bình luận so sánh với kế họạch chi tiêu ngân sách tương tự vào năm 1972 của cựu Bộ trưởng Tài chính Anthony Barber, hậu quả là vòng xoáy “tiền lương và lạm phát” đã xảy ra.
Sau đó 2 năm, đảng Lao động đã lên cầm quyền, ông Edward Heath trở thành Bộ trưởng Tài chính mới và Anh phải nhờ đến sự hỗ trợ của IMF vào năm 1976.
Triển vọng của kinh tế Anh
Một cường quốc xuất khẩu như Nhật Bản có thể vượt qua việc đồng nội tệ rớt giá nhờ thặng dư tài khoản vãng lai lớn. Còn Anh lại là một trong những quốc gia thâm hụt tài khoản vãng lai nhiều nhất thế giới, trong khi thâm hụt ngân sách cũng rất lớn. Điều này khiến Anh đang ở vị thế tương tự như một số thị trường mới nổi.
Hoạt động đầu tư bất động sản trong nước và các loại tài sản khác có thể sẽ giúp nâng giá đồng bảng Anh trong những năm bình thường. Nhưng khi tốc độ tăng trưởng chậm lại và nền kinh tế ngày càng bất ổn, thì nhiều nhà đầu tư lại không muốn đầu tư vào thị trường này.
Các nhà lập pháp thuộc đảng của bà Truss cho biết BOE có thể cần phải can thiệp bằng cách khẩn cấp nâng lãi suất để xoa dịu những căng thẳng của thị trường.
Vì sao diễn biến của đồng bảng Anh đóng vai trò quan trọng?
Đảng Bảo thủ của bà Truss sẽ có cuộc tổng tuyển cử gần nhất vào năm 2025. Theo đó, bà có hơn 2 năm để thuyết phục cử tri rằng các chính sách bà đưa ra sẽ hiệu quả và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh sẽ giảm mức độ căng thẳng.
Dù bà vẫn giữ được đa số phiếu bầu trong Hạ viện, thì đảng của bà lại đứng sau đảng Lao động trong các cuộc thăm dò dư luận. Trong khi đó, đồng bảng Anh rớt giá sẽ càng gây áp lực lên chính phủ. Dựa theo diễn biến trên thị trường quyền chọn vào cuối tháng 9, đồng bảng Anh có thể sẽ giao dịch ngang bằng với USD khi năm 2022 kết thúc.
Tham khảo Bloomberg