Kể từ ngày 23/9, khi Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng chính thức thông báo các kế hoạch trên, đồng bảng Anh giảm 5% so với đồng USD, đưa mức giảm kể từ đầu năm nay lên 21%. Trong khi đó, đồng euro giảm khoảng 15% so với đồng USD.
Đà giảm giá của đồng bảng chưa dừng lại. Các nhà đầu tư đang chạy đua bán ra trái phiếu chính phủ Anh, do lo ngại khoản vay bổ sung 72 tỷ bảng (77 tỷ USD) trước tháng Tư. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm tăng từ khoảng 3,6% lên hơn 4,4% trong hai phiên giao dịch vừa qua.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) trong một thông báo khẩn cho biết đang giám sát chặt chẽ diễn biến của thị trường tài chính, trong khi Bộ Tài chính Anh cho biết kế hoạch đảm bảo sự ổn định tài chính công sẽ được công bố vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, điều đó có thể không chấm dứt được đà xuống giá của đồng bảng, và những tác động đến các thị trường.
Đồng bảng giảm sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế vốn đã đối mặt với nguy cơ suy thoái, khi khiến các hàng hóa nhập khẩu thiết yếu như thực phẩm và nhiên liệu trở nên đắt hơn. Điều này có thể thổi bùng lạm phát đã cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ, gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đối với hàng triệu gia đình.
BoE sẽ chịu sức ép tiếp tục tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn. Điều này khiến chi phí đi vạy của các doanh nghiệp và các cá nhân tăng, dẫn tới khả năng đầu tư của các doanh nghiệp và khả năng chi tiêu của các gia đình giảm đi.
Đồng bảng chạm mức thấp kỷ lục so với đồng USD trong phiên 26/9, giảm xuống gần 1,03 USD trước khi phục hồi lên gần 1,07 USD.
Khi đồng tiền mất giá trị, điều này có thể có lợi cho các nhà sản xuất, khi giúp hàng xuất khẩu rẻ hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế chung, ít người sẽ cho rằng việc đồng tiền giảm mạnh là một diễn biến tích cực.
Một lo ngại lớn là tác động đến hàng hóa nhập khẩu. Giá năng lượng là điều đặc biệt quan tâm khi mùa Đông đến.
Do hàng hóa được thanh toán bằng đồng USD, đồng bạc xanh phục hồi và đồng bảng giảm có nghĩa giá hàng hóa nhập khẩu tăng.
Trong khi các nước châu Âu đang trong cuộc đua dự trữ khí đốt tự nhiên, trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Nga, Anh thiếu khả năng dự trữ như vậy, khiến nước này chịu tác động lớn hơn khi giá tăng.
Tiếp đến, chi phí đi vay của chính phủ, doanh nghiệp và các gia đình sẽ tăng. Các nhà đầu tư nhận định BoE sẽ phải tăng lãi suất mạnh hơn để kiểm soát lạm phát. Lãi suất đang được nhận định sẽ tăng lên khoảng 6% trong mùa Xuân 2023.
Đó là mức cao nhất kể từ năm 2000. Do BoE mới chỉ bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 12/2021, khi lãi suất ở mức 0,1%, việc tăng mạnh có thể khiến nền kinh tế giảm tốc mạnh.