Năm ngoái, khi người người, nhà nhà cùng mở tài khoản chứng khoán, một nhóm các bạn sinh viên của một trường đại học khối kinh tế ở Hà Nội cũng quyết định cùng nhau “chinh phục thị trường”. Có bạn dùng số tiền tiết kiệm đi làm thêm, có bạn vay tiền bố mẹ để bước chân vào đầu tư. Hàng ngày, các thành viên sẽ cùng nhau chia sẻ nhận định về thị trường, phân tích cả cơ bản và kỹ thuật, các thông tin “nghe ngóng” được từ các room và diễn đàn. Các cuộc nói chuyện diễn ra sổi nổi và hào hứng khi thị trường sôi động. Đến cuối năm, tổng kết lại ai ít nhiều cũng có lãi.
Tuy nhiên, sang đến năm nay, nhất là từ đầu tháng 4, mọi chuyện đã khác rất nhiều, những kinh nghiệm vào ra cũ dường như không còn đúng. Một số bạn khi số lỗ lên đến chục triệu thì đã quyết định dừng lại, tạm rút khỏi thị trường. Một thành viên trong nhóm chia sẻ: “Sự kiện ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý bọn em, khiến nhiều bạn mất niềm tin nhất là về cổ phiếu FLC. Các cá mập cũng mất hàng chục tỷ khiến bọn em thấy rõ thị trường có thể khốc liệt thế nào.”
T.T, bạn sinh viên bị lỗ nặng nhất, lên tới gần trăm triệu, chia sẻ về thất bại của mình: “Sai lầm lớn nhất của em có lẽ là đầu tư nhiều vào các cổ phiếu trên sàn UPCOM. Trước đây em có những cổ phiếu lời rất nhanh vì biên độ giao động lên tới 15%. Tuy nhiên, khi thị trường có biến động, cổ phiếu UPCOM rất dễ rơi vào tình trạng “trắng bên mua”, nhiều mã còn bị hạn chế giao dịch. Sàn UPCOM đúng là không dành cho những người non kinh nghiệm.”
Các bạn trong nhóm giờ cũng phải an ủi nhau là dù sao mùa “uptrend” cũng đã khá thành công, bây giờ lỗ thì “tiền của thị trường trả lại cho thị trường.”
Tuy nhiên, cũng chân ướt chân ráo đầu tư chứng khoán khoảng hơn 1 năm nay, nhiều bạn sinh viên vẫn chưa nhụt chí chinh phục thị trường. Năm ngoái, thấy bố mẹ gửi tiết kiệm nhưng lãi suất rất thấp, bạn V.H ở Thanh Hóa mạnh dạn xin bố mẹ giao tiền cho mình và cam kết sẽ gửi lại với lãi suất cao hơn ngân hàng. Cho đến nay thì lời hứa này vẫn được giữ. V. H cho biết mình chơi lướt sóng nên rất cố gắng tuân thủ kỷ luật chốt lời và cắt lỗ. “Em vừa cắt lỗ cổ phiếu DLG và VIC, còn tuần trước thì đã chốt lời TTF. Tình hình thị trường này em cố gắng không để “yếu lòng”, quyết định dứt khoát và đặc biệt không dùng margin.”
Mặc dù đã trải qua vài tháng thị trường đi xuống nhưng V. H vẫn giữ thói quen mỗi tối đọc tổng hợp thị trường, cả trong nước và nước ngoài. Hiện giờ đang nắm giữ tiền mặt nhiều hơn nên V. H đang chờ cơ thời điểm để vào lại thị trường.
Các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng
Chứng khoán Việt Nam đã có giao dịch giảm 3 tuần liên tiếp. Trên sàn HOSE, thanh khoản giảm mạnh khi khối lượng giao dịch trong tuần chỉ còn khoảng 85% so với khối lượng giao dịch trung bình của 10 tuần vừa qua. Mới đây, trong báo cáo triển vọng thị trường, công ty chứng khoán KB (KBVS) đã hạ dự báo VN-Index giảm xuống còn 1.330 điểm đến cuối năm, giảm khá mạnh so với mức dự báo 1.760 điểm trong báo cáo hồi đầu năm. Theo KBVS, thị trường sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành, do đó, đây là giai đoạn nhà đầu tư cần “đãi cát tìm vàng”, tập trung vào các doanh nghiệp có câu chuyện riêng để lựa chọn danh mục trong nửa cuối năm 2022.
Theo phân tích kỹ thuật của VCBS, VN Index xuất hiện mẫu hình Falling window cũng cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang rất tiêu cực với diễn biến thị trường hiện tại.
Về chiến lược ngắn hạn, VCBS khuyễn nghị các nhà đầu tư chủ động quản trị rủi ro tài khoản trong ngắn hạn, nâng cao tỉ trọng tiền mặt, kiên nhẫn chờ đợi thị trường ổn định, xuất hiện những phiên tích lũy tìm điểm cân bằng trở lại để có thể giải ngân mua cổ phiếu với giá chiết khấu tốt hơn. Nên tăng tỷ trọng tiền mặt và giữ danh mục cổ phiếu ở mức an toàn cũng là nhận định từ công ty chứng khoán Rồng Việt và Yuanta Việt Nam.