Tài chính

Lazada kỳ vọng tăng trưởng tại thị trường Đông Nam Á

Lazada Group, mảng thương mại điện tử Đông Nam Á của Alibaba Group Holding, kỳ vọng sẽ đón nhận ít sự cạnh tranh hơn trong bối cảnh thị trường dần thích nghi với tình trạng suy thoái hiện tại, theo Giám đốc điều hành James Dong.

"Sự khác biệt và cũng chính là rào cản trong dài hạn đối với các nền tảng thương mại điện tử là công nghệ", Dong chia sẻ với tờ Nikkei Asia trong một cuộc phỏng vấn gần đây. "Thứ hai, tất nhiên, là chi phí".

Tuyên bố trên được đưa ra ngay sau khi Lazada nhận được vốn đầu tư mới từ phía công ty mẹ Trung Quốc. Theo hồ sơ pháp lý, hồi cuối tháng 8, Alibaba đã rót 912,5 triệu USD vào nền tảng này, qua đó nâng tổng số tiền đầu tư trong năm 2022 lên gần 1,3 tỷ USD. Với Dong khoản tài trợ này đã mang lại cho Lazada một "lợi thế vô cùng lớn" so với các đối thủ thương mại điện tử trong khu vực, đồng thời giúp công ty "ở lại cuộc chơi lâu hơn".

Theo Nikkei Asia, sức mạnh tài chính của Lazada trái ngược hoàn toàn với tình cảnh của đa số các công ty thương mại điện tử khác ở Đông Nam Á - những doanh nghiệp vốn đang phải đấu tranh trước sự giảm sút trong nhu cầu và định giá. Căng thẳng Nga-Ukraine đã dẫn đến một nguồn cung thiếu hụt. Giá cả theo đó tăng cao, trong khi sức mua người tiêu dùng suy yếu. 

Đáng chú ý, mới đây, Sea đã buộc phải thu hẹp quy mô kinh doanh. Việc đà tăng trưởng, vốn được thúc đẩy nhờ nhu cầu mua sắm trực tuyến và một số dịch khác suy yếu khiến tập đoàn này phải thắt lưng buộc bụng. Trong nửa đầu năm nay, công ty mẹ Shopee lỗ 1,51 tỷ USD, tăng gấp đôi so với mức lỗ ròng 855 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

Lazada kỳ vọng tăng trưởng tại thị trường Đông Nam Á  - Ảnh 1.

Lazada Group, mảng thương mại điện tử Đông Nam Á của Alibaba Group Holding, kỳ vọng sẽ đón nhận ít sự cạnh tranh hơn, theo Giám đốc điều hành James Dong.

Trước đó, nhờ nguồn vốn dồi dào đầu tư vào hoạt động marketing cùng một số các thương vụ hấp dẫn, Shopee vượt qua Lazada để trở thành sàn thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á. Trong năm tài chính 2021, tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) của công ty này đạt 62,5 tỷ USD, trong khi Lazada chỉ ghi nhận 21 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các cổ phiếu ngành công nghệ bị bán tháo, vốn hoá Sea giảm 170 tỷ USD, tương đương tới 86% so với mức đỉnh ghi nhận vào tháng 10 năm ngoái. Điều này khiến Sea khó kêu gọi được tiền mặt. 

“Sau đại dịch, sự suy thoái của toàn thị trường khiến mọi người chơi đều gặp khó khăn”, Dong nói, song vẫn nhấn mạnh nhu cầu trực tuyến đang “bình thường hóa khá nhiều”. “Nó sẽ kéo dài ít nhất trong vài quý nữa”. 

Theo ông Dong, Lazada luôn hoạt động một cách tương đối bền vững trong suốt 10 năm qua, dù cũng có lúc chịu tác động lớn từ bối cảnh chung. Doanh thu bán lẻ tại thị trường nước ngoài của Alibaba, bao gồm cả hoạt động kinh doanh của Lazada, đã chậm lại đáng kể trong năm nay. Tính đến hết tháng 3, nó đã giảm xuống chỉ còn 1,56 tỷ USD, song vẫn tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Dong, được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo tập đoàn vào tháng 6 và hiện đang dẫn dắt mảng kinh doanh nước ngoài được yêu thích nhất của Alibaba trong một thời kỳ đầy biến động. 

Lazada hiện có 150 triệu người dùng tại 6 thị trường Đông Nam Á. Con số này dự định sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Dong cho biết một trong những cách để công ty mở rộng quy mô hoạt động là hình thành quan hệ đối tác với các nhà bán lẻ truyền thống.

Lazada kỳ vọng tăng trưởng tại thị trường Đông Nam Á  - Ảnh 2.

Lazada hiện có 150 triệu người dùng tại 6 thị trường Đông Nam Á.

"Chúng tôi kết nối công nghệ với nhau để cung cấp dịch vụ cho khách hàng chung", ông Dong nói, đồng thời tự tin rằng Lazada có thể có thêm nhiều khách hàng thông qua việc nâng cấp công nghệ và trải nghiệm khách hàng. Hiện công ty đang đầu tư vào hoạt động mua sắm trực tuyến, đồng thời điều chỉnh các ứng dụng sao cho phù hợp với thị trường địa phương.

"Người tiêu dùng sẽ chuyển đổi nền tảng để được hưởng nhiều lợi ích, chẳng hạn như nhận mã giảm giá", Dong nói. "Song nếu mọi thứ đều được đặt ngang hàng, họ sẽ gắn bó nền tảng mà họ thích".

Bất chấp các thông tin cho rằng Lazada đang để mắt đến các thị trường châu Âu, Dong nhấn mạnh công ty sẽ liên tục tập trung vào 6 thị trường tại Đông Nam Á của mình, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Dong cũng từ chối bình luận về việc Alibaba sẽ tiếp tục rót vốn cho Lazada, bởi với ông, việc học cách tự duy trì hoạt động kinh doanh của mình mới thực sự quan trọng nếu nền tảng này muốn tiến vào các thị trường châu Âu.

Được biết, Alibaba có nhiều tham vọng tại thị trường Đông Nam Á. Năm ngoái, tập đoàn này đã đặt mục tiêu dài hạn nâng số lượng người dùng Lazada lên 300 triệu, bất chấp việc liên tục phải đối mặt với áp lực từ chính sách siết chặt công nghệ của chính phủ.

Theo: Nikkei Asia 


Cùng chuyên mục

Đọc thêm