Chiều hôm ấy, phóng viên của tờ WSJ đã trò chuyện với một số người dân địa phương đang đi mua sắm tại cửa hàng tạp hóa Rouses, Houma, cách New Orleans gần 60 dặm về phía tây nam. Tờ hóa đơn đắt đỏ đã cho thấy bài toán mà họ - những người Mỹ trung lưu đang phải đối mặt, rằng làm thế nào để duy trì đủ phí sinh hoạt trong bối cảnh lạm phát.
Được biết trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Gía cả tăng vọt, từ xe hơi, dịch vụ chăm sóc y tế đến điện nước. Theo Cục Thống kê Lao động, giá hàng tạp hóa trong tháng 8 đã tăng 13%, mức tăng đột biến nhất trong 1 năm kể từ tháng 3/1979.
Tại Houma, chỉ hơn một nửa số hộ gia đình được coi là tầng lớp trung lưu, với thu nhập trung bình 44.956 USD, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew. Câu chuyện họ kể với tờ WSJ trước cửa chuỗi cửa hàng tạp hóa Rouses đều giống nhau, chủ yếu xoay quanh việc các mặt hàng chủ lực tăng giá quá nhanh.
Jamaica Bonvillian ứa nước mắt khi được hỏi về cuộc sống hiện tại. Sau khi kết thúc công việc thợ hồ bán thời gian, bà mẹ đơn thân này vội đến cửa hàng tạp hóa gần nhà để mua thực phẩm. Chị nói bữa cơm tối nay tốn 129 USD, trong đó, món ăn vặt yêu thích của cậu con trai có giá gần 8 USD, tăng khá nhiều so với mức 5 USD trước đây. “Tôi suy sụp và tự hỏi, làm thế nào đây?", Jamaica Bonvillian nói.
Thời gian trước, 832 USD tiền hỗ trợ hàng tháng của chính phủ vẫn đủ để nuôi sống gia đình nhỏ 4 người. Giờ đây, những thứ thiết yếu đã tiêu tốn tới gần 1.400 USD. Chị Jamaica Bonvillian không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc mua sỉ số lượng lớn để giảm giá thành, thậm chí chọn loại giấy vệ sinh "mỏng đến mức có thể nhìn xuyên thấu" để kéo dài ngân sách. Người phụ nữ này cũng phải làm thêm ở phòng tranh vào cuối tuần để trang trải sinh hoạt phí.
Kerry Carter, 54 tuổi, là một người thích mua sắm. Tuy nhiên, lạm phát khiến ông giờ chỉ dám mua đồ ăn giảm giá, sau khi đã lên kế hoạch chi tiêu cẩn thận. Lịch trình đến Rouses cũng được chốt cố định vào mỗi thứ 4 hàng tuần - thời điểm hàng hóa mới được lấp đầy trên các tủ kệ. Dẫu vậy, hóa đơn hàng tháng của ông Carter vẫn tiếp tục tăng.
“Tôi không thể làm những gì mình muốn. Tôi phải có tiền cơ”, ông Carter, một công nhân xây dựng nói. Ông cũng cho biết giá cả tăng cao khiến bản thân không thể mua các vật liệu cần thiết để hoàn thành ngôi nhà mới.
Trong buổi đi chợ hôm đó, ông Carter tiêu tốn 80,86 USD. Ông chỉ định mua cà chua nhưng cuối cùng lại lấy thêm 6 gói cánh gà vì được khuyến mại, 3 gói xúc xích (mỗi gói 6,99 USD), đùi gà (7,08 USD), chuối (1,12 USD), bông cải xanh (2,37 USD) và 1 củ hành tím (1,5 USD).
Carter cũng tâm sự ông không còn đủ tiền mua thịt đỏ hay sườn. Những bữa hải sản thơm ngon mời bạn bè và gia đình giờ đây cũng là điều xa xỉ khi 1 bàn gồm cua, ngô, xúc xích, khoai tây và chanh trước đây có giá 100 USD giờ đã lên tới 300 USD.
Jessica Boudreaux, 45 tuổi và con trai Daniel Horsley, 23 tuổi, thì chi 68,21 USD để mua nguyên liệu làm bánh mì ngô, đồ Mexico và một số các mặt hàng giá cả phải chăng như xúc xích. Cô chọn mua sắm ở Rouses thay vì cửa hàng gần nhà đắt tiền để tiết kiệm. Hai năm trước, hóa đơn mua sắm của 2 mẹ con rơi vào khoảng 300 USD song giờ đã tăng lên 600 USD.
"Thật kinh khủng. Đó là điều vô nghĩa”, cô Boudreaux, người đang nhận trợ cấp nói, đồng thời cho biết việc con trai và cháu nội sắp chuyển đến ở cùng gia đình khiến bản thân không khỏi lo lắng.
“May mắn là cháu tôi mới 2 tuổi nên nó sẽ không ăn nhiều,” cô kể.
Megan Naquin, 38 tuổi, đã đến siêu thị cùng 2 đứa nhỏ để mua nguyên liệu làm món gà tẩm bột. Giờ đây, chi tiêu hàng tạp hóa cho gia đình 8 người này còn nhiều hơn cả khoản thế chấp 1.500 USD phải trả mỗi tháng.
“Mọi thứ không tăng một chút, mà tăng rất nhiều”, Megan Naquin nói, đồng thời cho biết chị phải nấu ăn ít đi để hạn chế chi tiêu. Con chị cũng không được phép mở tủ lạnh quá nhiều lần trong một ngày để tránh đi siêu thị quá thường xuyên.
Theo The New York Times, bản thân nhóm thu nhập thấp chịu rất nhiều ảnh hưởng bởi lạm phát và vật giá leo thang, tập trung vào các danh mục thiết yếu như tiền thuê nhà, thực phẩm và nhiên liệu.
"Đây là gánh nặng thực tế đối với các gia đình, họ đang phải cân nhắc cắt giảm chi tiêu, trong khi những hộ thu nhập thấp thậm chí không có lựa chọn", theo Michelle Holder, chủ tịch tổ chức nghiên cứu phi chính phủ WCEG. Đối với nhiều gia đình, chẳng hạn như nhà Megan Naquin, Jessica Boudreaux hay Jamaica Bonvillian, gánh nặng này đang dần trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Mới đây nhất, FED lần thứ 3 tăng mạnh lãi suất. Điều này càng khiến người tiêu dùng gánh thêm áp lực khi chi phí sinh hoạt trở nên đắt đỏ. Đặc biệt với văn hóa mua trước, trả sau tại Mỹ, chính sách này sẽ ngay lập tức tác động lên người dân.
Theo CNBC, người Mỹ có thói quen chi tiêu qua thẻ tín dụng. Lãi suất tăng, đồng nghĩa với việc lãi suất thẻ tín dụng cũng tăng. Theo tính toán của WalletHub, quyết định của FED có thể khiến người tiêu dùng mắc nợ thẻ tín dụng phải chi thêm 5,3 tỷ USD tiền lãi. Nhiều hộ gia đình có thể chưa cảm nhận ngay gánh nặng nợ nần song về lâu dài, áp lực sẽ không hề nhỏ khi FED chưa có dấu hiệu dừng chính sách tăng lãi suất.
“Lạm phát đang thay đổi cách chi tiêu của người Mỹ. Họ hạn chế đi ăn ngoài và chỉ mua những thứ cần thiết để tập trung ngân sách vào những mặt hàng thiết yếu. Những người thu nhập thấp sẽ chỉ dám chi cho những nhu cầu thiết yếu thôi”, bà Jill Gonzalez, chuyên gia phân tích kinh tế của WalletHub cho biết.
Theo: WSJ, CNBC