Các tuyến thay thế để qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh được phân luồng như lưu thông trên đường Điện Biên Phủ, quay đầu tại giao lộ Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Thương - Điện Biên Phủ, đường dân sinh bên hông cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh…
Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh cấm phương tiện lớn lưu thông sau sự cố.
Trước đó, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh) trong quá trình khảo sát tại cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh đã phát hiện tại nhịp chính dài 55,5m có hiện tượng bị võng. Đầu dầm bản của nhịp dẫn đã không còn kê trên gối cầu mà tách khỏi gối cầu, xà mũi một khoảng trung bình từ 3 đến 5cm. Dầm xuất hiện các vết nứt, từ sườn dầm kéo dài hết đáy dầm.
Theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh được Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (Ban giao thông) thi công sửa chữa từ tháng 10/2020 đến nay chưa bàn giao lại. Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh) đã có buổi làm việc với đơn vị này. Ban giao thông đã cung cấp thông tin về dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh và cho thấy có xảy ra giao cắt giữa hệ thống cống hộp thoát nước và cáp dự ứng lực của cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.
Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ đã phối hợp với các bên liên quan đào thăm dò. Qua đó nhịp chính của cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh có 4 bó cáp dự ứng lực đặt ngầm ở độ sâu 1,8-1,9m. Hệ thống thoát nước của dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh đã thi công ngang qua các bó cáp này. Khi đào thăm dò, cơ quan chức năng phát hiện bó cáp dự ứng lực của cầu bị đứt tại nơi giao cắt với cống hộp của hệ thống thoát nước.
Với thực tế kiểm tra, ghi nhận, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh kết luận Ban giao thông chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự cố công trình, khẩn trương kiểm tra và báo cáo ngay sự cố đứt cáp dự ứng lực ngầm tại nhịp chính cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Ngoài ra, Ban giao thông phải lập phương án đảm bảo an toàn kết cấu nhịp chính và công trình cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh để tránh nguy cơ hư hỏng nghiêm trọng và sụp đổ. Ban giao thông phải thực hiện giám định chất lượng kết cấu công trình, quan trắc theo dõi, giám sát chuyển vị công trình để làm cơ sở đề xuất giải pháp khắc phục sự cố.
Trước mắt, các phương tiện xe tải, xe trên 16 chỗ bị cấm qua cầu vượt, hạn chế lưu lượng lớn phương tiện xe 2 bánh qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh để tránh các sự cố đáng tiếc, chờ kiểm tra khắc phục sự cố.
Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ phối hợp với Thanh tra Sở, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban giao thông) và đơn vị có liên quan khắc phục sự cố, theo dõi thường xuyên kết cấu nhịp chính bị sự cố (hệ khung dầm, mố trụ, hệ móng và chi tiết liên quan).
Trong trường hợp có các dấu hiệu bất thường và các nguy cơ gây mất an toàn giao thông cần phải xử lý khẩn cấp nhằm tránh gây thiệt hại đến tính mạng người tham gia giao thông và tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Ngoài ra, Sở GTVT cũng giao Thanh tra Sở phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ và đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý hoặc báo cáo đề xuất Sở GTVT xem xét xử lý các đơn vị, cá nhân gây ra sự cố công trình trên theo quy định pháp luật.