Công nghệ

Twitter hỗn loạn

Email thông báo sa thải đã được gửi đi

"Trong nỗ lực đưa Twitter phát triển, chúng ta sẽ vượt qua quá trình khó khăn đầu tiên là cắt giảm lực lượng lao động trên toàn cầu, bắt đầu từ 4/11", trích nội dung email nội bộ Twitter do Reuters thu thập được.

Hầu hết văn phòng Twitter sẽ đóng cửa, quyền truy cập hệ thống của nhân viên bị ngừng cho đến khi có thông báo mới. Điều này nhằm "giúp đảm bảo sự an toàn của mỗi nhân viên cũng như hệ thống Twitter và dữ liệu khách hàng".

Email được gửi sau thông tin Twitter có thể sa thải tới 3.700 nhân viên, tương đương một nửa số người đang làm việc cho mạng xã hội.

Elon Musk. Ảnh: Reuters

Elon Musk. Ảnh: Reuters

Giảm chi phí hạ tầng

Cũng theo Reuters, Musk chỉ đạo các phòng ban tại Twitter tìm cách giảm chi phí cơ sở hạ tầng, với mục tiêu một tỷ USD mỗi năm. Với "Kế hoạch cắt giảm sâu", trước mắt công ty hướng tới việc tiết kiệm từ 1,5 triệu đến 3 triệu USD mỗi ngày từ máy chủ và dịch vụ đám mây. Twitter hiện lỗ khoảng ba triệu USD mỗi ngày cho "các khoản chi tiêu".

Đại diện mạng xã hội từ chối bình luận.

Các chuyên gia đánh giá, việc giảm đầu tư cơ sở hạ tầng có thể khiến website và ứng dụng Twitter gặp nhiều vấn đề kết nối. Thậm chí, chúng có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc truy cập chậm nếu xảy ra sự kiện quan trọng và lượng truy cập đông. Một nguồn tin nội bộ cũng mô tả việc cắt giảm của Musk là "ảo tưởng", đồng thời lo ngại dịch vụ có thể gặp sự cố nghiêm trọng khi lưu lượng truy cập tăng lên.

Ngoài ra, loạt tin nhắn Slack mà Reuters có được từ nội bộ Twitter cho thấy các phòng ban của mạng xã hội đang phải chạy đua trong việc trình bày kế hoạch tiết kiệm chi tiêu với Musk, chậm nhất trước 7/11.

Nhân viên lo ngại

Hàng loạt động thái mạnh tay khiến đội ngũ nhân viên Twitter cảm thấy bất an, lan rộng khắp các văn phòng từ San Francisco đến Singapore. Một số nhân viên cho biết, từ khi tiếp quản, Musk không chia sẻ nhiều về vấn đề nhân sự, cũng không nói chuyện với nhân viên.

Các nhà quản lý được cho là bị cấm thực hiện cuộc gọi, họp nhóm hoặc liên lạc trực tiếp với nhân viên. Một người tiết lộ "hầu hết đang bị theo dõi". Trước đây, nhân viên Twitter thường thảo luận trên kênh Slack. Tuy nhiên, giờ họ tìm đến các dịch vụ chat ẩn danh nhằm tránh ảnh hưởng đến công việc.

Nhiều nhân viên Twitter ngừng nhận cuộc gọi hoặc trả lời email từ khách hàng vì "không biết có còn làm việc" nữa hay không. Số khác thừa nhận chỉ chờ ngày 4/11 để biết mình tiếp tục công việc hay bị sa thải.

"Thực sự tồi tệ. Tệ hơn rất nhiều so với những thứ mọi người đang đọc trên các phương tiện truyền thông", một nhân viên Twitter nói với Reuters.

Trong khi đó, một số người đã nộp đơn xin việc tại những công ty khác. Theo Business Insider, làn sóng nhân viên Twitter gửi hồ sơ vào Google, Meta đang tăng nhanh chóng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm