Bé N.H.S. (10 tuổi) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) sau tai nạn thương tâm. Theo đó, thời điểm xảy ra sự việc, một bức tường gạch bất ngờ đổ sập, đè trúng cẳng tay phải của bé.
Thời điểm vào viện, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị tổn thương vô cùng nghiêm trọng, khi dập nát toàn bộ khối cơ cẳng tay, lóc da toàn bộ vùng cẳng tay phải, gãy hở phức tạp cổ tay, đầu dưới hai xương cẳng tay.
Tại khoa Cấp cứu, bé lập tức được xử trí bù dịch, truyền kháng sinh tĩnh mạch và giảm đau tích cực, trước khi được chuyển mổ khẩn. Sau khi đánh giá tổn thương, các bác sĩ nhận định, tuy các mạch máu lớn và ngón tay vẫn còn dấu hiệu tưới máu, nhưng nguy cơ phải đoạn chi là rất cao.

Cánh tay cháu bé bị tổn thương nặng nề sau tai nạn (Ảnh: BV).
Trong khoảnh khắc cân não, bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Duy Khánh đã trao đổi rõ ràng với gia đình, cân nhắc mọi khả năng và quyết định chọn hướng điều trị bảo tồn đầy thử thách.
Ở lần mổ đầu tiên, ê-kíp điều trị cắt lọc vết thương kỹ lưỡng, cố định lại phần xương gãy, áp dụng kỹ thuật hút áp lực âm liên tục để xử lý vết thương. Tuy nhiên, bé vẫn xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng trong những ngày sau đó.
Các nhân viên y tế của khoa Dược lâm sàng đã phối hợp chặt chẽ, song song với sự theo dõi sát sao từ bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó khoa Bỏng – Chỉnh trực cho bệnh nhân. Các phác đồ điều trị đã được điều chỉnh chính xác, phù hợp với từng đáp ứng của cơ thể bé.
Trải qua 3 cuộc phẫu thuật liên tiếp, vết thương cẳng tay của bé đã hồi phục một cách ngoạn mục. Bé giữ lại được cánh tay, không chỉ lành về mặt thể chất mà tinh thần cũng dần ổn định.