Những thiết bị công nghệ nhanh này thường được bán trực tuyến với giá chỉ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng khiến nhiều người sẵn sàng mua sắm. Tuy nhiên, một vấn đề nghiêm trọng đang khiến cả thế giới lo lắng về các thiết bị công nghệ nhanh chính là việc chúng rất khó sửa chữa, không thể tái chế và nhanh chóng bị loại bỏ.

Quạt cầm tay là một trong những thiết bị công nghệ nhanh đang phổ biến hiện nay
ẢNH: EBAY
Theo tổ chức Material Focus có trụ sở tại Anh, chỉ riêng tại Anh, mỗi năm có hơn 1,14 tỉ thiết bị điện tử nhỏ được tiêu thụ, trong đó khoảng 589 triệu sản phẩm bị thải bỏ. Giám đốc điều hành Scott Butler của Material Focus, cho biết: "Chúng ta đã có đồ ăn nhanh, thời trang nhanh và giờ đây là công nghệ nhanh. Chúng tôi không phản đối công nghệ, nhưng lo ngại về số lượng sản phẩm chất lượng thấp đang tràn ngập thị trường".
Một cuộc khảo sát cho thấy hơn một phần ba người Anh coi công nghệ nhanh là đồ bỏ đi, tức là chỉ cần sử dụng một lần với nguyên nhân chủ yếu do mức giá thấp, nhưng Butler cho rằng đó là một quan điểm hoàn toàn sai lầm. Ông nhấn mạnh rằng "bất kỳ thiết bị nào có phích cắm, pin hoặc cáp đều không nên bị vứt bỏ, vì chúng chứa nhiều kim loại hữu ích có thể tái sử dụng".
Mối đe dọa môi trường từ công nghệ nhanh
Báo cáo từ Guardian cho biết, công nghệ nhanh cũng được coi là một mối đe dọa môi trường mới, không chỉ vì khả năng chứa hóa chất độc hại mà còn do khối lượng lớn và tính dễ thải bỏ. Laura Young, một nhà khoa học và nhà vận động về môi trường, cho biết: "Chúng ta chưa bao giờ có công nghệ dùng một lần như thế này trước đây. Mọi người có thể không nhận ra rằng nhiều thiết bị nhỏ bé này chứa linh kiện điện tử bên trong".
Với tính dễ tiếp cận, khó có thể hy vọng lượng thiết bị công nghệ nhanh sẽ giảm nhưng Butler khuyến khích mọi người nên thay đổi cách suy nghĩ về việc tiêu dùng. Ông nói: "Nếu mọi người không mua chúng, chúng sẽ không còn trên thị trường. Hãy chú ý hơn đến những gì bạn mua, cách sử dụng và xử lý chúng khi không còn cần thiết".
Ngoài việc khuyến khích tái chế, Butler cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các lựa chọn sửa chữa và tái sử dụng. Young đề xuất các sáng kiến cộng đồng như quán cà phê sửa chữa và thư viện dụng cụ, nơi mọi người có thể mượn đồ với chi phí thấp hơn so với việc mua mới. "Tôi đã đăng ký vào thư viện dụng cụ. Tôi không mua thiết bị tự làm nữa", cô Young chia sẻ.
Giải quyết vấn đề công nghệ nhanh đòi hỏi một cách tiếp cận mới, không chỉ đơn thuần là sở hữu mọi thứ mà còn cần suy nghĩ về việc sử dụng và tái sử dụng một cách bền vững.