Tài xế có nguy cơ bị phạt tù
Ngày 18/10, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tuyên Quang đang củng cố hồ sơ, xử lý tài xế V.T.P. (SN 1978, trú tại tổ dân phố Tân Tiến, thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương) về các hành vi “Điều khiển xe ô tô không nhường đường xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ” với mức phạt từ 6 - 8 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng; “Không có Giấy phép lái xe” mức phạt 10 - 12 triệu đồng.
Tài xế V.T.P. tại trụ sở công an
Tài xế P. là người điều khiển xe tải BKS 22C-082.48 có hành vi không nhường đường cho xe cứu thương đưa người bệnh đi cấp cứu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang vào chiều 17/10.
Sự việc đã gây xôn xao dư luận khi clip quay cảnh xe tải do ông P. điều khiển không nhường đường cho xe cứu thương được đăng tải lên mạng xã hội trong sáng 18/10.
Từ vụ việc này, nhiều độc giả thắc mắc, trong trường hợp ô tô không nhường đường cho xe cứu thương đi làm nhiệm vụ gây thiệt hại sức khỏe, tính mạng của nạn nhân do không cấp cứu kịp thời, tài xế lái ô tô có hành vi cản trở, không nhường đường có bị xử lý hình sự?
Trao đổi với PV về các thắc mắc trên của của độc giả, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật) cho biết, Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định, khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên (bao gồm xe cấp cứu đang làm nhiệm vụ), người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Như vậy, xe tải trong vụ việc ở Tuyên Quang nếu bị xác định cản trở xe cứu thương (xe ưu tiên) thì đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Với hành vi trên, nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng, tài xế sẽ bị xử lý hành chính. Theo thông tin từ người nhà, bệnh nhân cấp cứu đã qua cơn nguy kịch.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VP luật sư Tinh thông luật
Tuy nhiên, trong trường hợp tài xế ô tô có hành vi cản trở, không nhường đường cho xe cứu thương đang đi làm nhiệm vụ gây thiệt hại sức khỏe, hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng tới tính mạng của bệnh nhân do không cấp cứu kịp thời như độc giả đặt câu hỏi thì tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017"- luật sư Bình nói.
Đồng quan điểm với luật sư Bình, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý), cho rằng, khi tài xế thấy các xe ưu tiên như xe cứu thương, xe cứu hỏa phát tín hiệu thì bắt buộc thực hiện việc nhường đường.
“Tài xế bắt buộc phải nhận thức có thể gây hậu quả nếu không nhường đường cho các xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ khẩn cấp”, luật sư Kiên nói.
Theo luật sư Kiên, “Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định rõ, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên (khoản 1, điều 260)… thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Hình phạt với tài xế vi phạm có thể lên tới 15 năm tù giam tùy vào mức độ phạm tội”, luật sư Kiên nói.
Luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng VP luật sư Ánh sáng Công lý.
Dừng xe giữa đường chặn xe tải, tài xế xe cứu thương có vi phạm?
Cũng liên quan đến vụ việc tài xế V.T.P. không nhường đường cho tài xế xe cứu thương, trong ngày 18/10, mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện clip ghi lại cảnh tài xế điều khiển xe cứu thương vượt lên, dừng xe chặn đầu xe tải.
Clip cho thấy, chiếc xe cứu thương vượt lên trước xe tải rồi dừng giữa đường chặn xe tải. Sau đó, tài xế xe cứu thương mở cửa xuống xe đi tới chỗ ca-bin xe tải rồi vung tay về phía lái xe tải. Thậm chí, lái xe cứu thương còn kéo cửa cầm vật giống cây gậy đi lại chỗ tài xế xe tải.
Lý giải về việc tiến về đầu xe tải vung tay về phía tài xế xe tải và hành động lấy gậy ra rồi tiến về phía tài xế xe tải, lái xe cứu thương cho hay, do tài xế xe tải ngồi trong xe vẫn thái độ, thậm chí còn kéo cửa kính, đưa điếu cày ra dọa đánh anh, nên anh mới bức xúc làm vậy.
Trao đổi với PV về hành vi của lái xe cứu thương, luật sư Lê Văn Kiên cho hay đây là hành vi không đẹp, không văn minh đến từ tài xế xe cứu thương bởi thời điểm chở người bệnh cấp cứu, tính mạng người bệnh có thể bị đe doạ, không thể ngừng giữa đường chỉ để giải quyết bức xúc, mâu thuẫn.
“Không gì quan trọng bằng tính mạng con người, vì vậy tài xế cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện nhanh nhất có thể. Hành vi vi phạm của lái xe tải sẽ được cơ quan chức năng xử lý”, luật sư Kiên nói.
Về hành vi dừng xe cứu thương giữa đường để chặn xe tải, luật sư Kiên cho biết, pháp luật đã có quy định xử lý với hành vi này theo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100/2019/NĐ-CP), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Theo nghị định này, với hành vi “Dừng xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25m”, lái xe ô tô sẽ bị xử phạt từ 400.000 - 600.000 đồng. Với lỗi “đỗ xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25m”, tài xế lái ô tô sẽ bị xử phạt số tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng.
Trường hợp bị xác định “dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông”, tài xế sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.