
Theo Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ, có tới 8,7 triệu quân nhân Mỹ đã phục vụ trong chiến tranh Việt Nam , trong đó có 3,4 triệu quân nhân Mỹ đã được triển khai tới Đông Nam Á và 2,7 triệu quân nhân phục vụ trong Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (giai đoạn từ 1964 đến 1973). Cao điểm nhất là năm 1969 có tới 543.000 quân Mỹ đóng quân ở miền Nam Việt Nam. Tổng số quân Mỹ bị chết trong chiến tranh Việt Nam là 58.220 với 58.148 chết trận và 304.000 bị thương.

Cùng với đó, quân đội Mỹ đã đưa tới Việt Nam một số lượng vũ khí, khí tài chiến tranh khổng lồ như 600 xe tăng M48, rất nhiều thiết giáp M-113 và thiết giáp đổ bộ, hàng chục nghìn lượt máy bay các loại… Trong cuộc chiến, Quân đội Mỹ mất hơn 5.600 máy bay trực thăng và 3.744 máy bay các loại khác. Riêng máy bay ném bom chiến lược B-52 thì phía Mỹ xác nhận bị loại khỏi cuộc chiến 18 chiếc “pháo đài bay”, còn phía Việt Nam đưa ra con số 34 chiếc.
Nghiên cứu về cuộc chiến, nhóm tác giả ở Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống xâm lược Mỹ nổi rõ đặc điểm là “không cân sức”. Lúc đầu nhiều người cho rằng Việt Nam khó có thể đương đầu nổi, vì “trứng không thể chọi với đá được”.
Tự mãn về điều này, nên khi các nhà báo Pháp nói với các sĩ quan Mỹ là họ “đã thử sức ở đây, nhưng không ăn thua”, thì các sĩ quan Mỹ trả lời một cách tự mãn rằng: “Chúng tôi không phải là quân đội của một cường quốc châu Âu đang suy tàn bị Đức đánh bại năm 1940. Chúng tôi là quân đội của Hoa Kỳ. Các ông cứ đi mà xem... chúng tôi không bao giờ thua trong các cuộc chiến tranh”.

Chính vì đánh giá đối phương quá thấp, đánh giá mình quá cao và tin tưởng sẽ chiến thắng một cách dễ dàng, nên Mỹ áp dụng và thực thi chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” như thực dân Pháp trước đây. Ngay khi đưa quân xâm lược Việt Nam, các nhà vạch chiến lược Hoa Kỳ đều thống nhất với kế hoạch chiến lược ba giai đoạn của Đại tướng William Westmoreland (Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam) mà giai đoạn cuối cùng sẽ kết thúc vào năm 1967, quân đội Mỹ sẽ chiến thắng, rút quân về nước.
Tuy nhiên cuộc chiến tranh lại kéo dài, nước Mỹ phải huy động sang Việt Nam hàng triệu lượt lính Mỹ tham chiến, chi phí trung bình mỗi năm xấp xỉ 30 tỷ USD. Từ chủ động gây ra cuộc chiến tranh, chủ động áp dụng các chiến lược, Mỹ trở thành bị động, lúng túng, từ chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, phải “leo thang” từng bước, đánh kéo dài và đẩy cuộc chiến tranh xâm lược đến đỉnh cao và vượt quá những cuộc chiến tranh thông thường về số quân, vũ khí, trang bị hiện đại và chi phí.
Tham vọng của Mỹ là tiêu diệt lực lượng cách mạng, bình định miền Nam, biến nơi này thành căn cứ quân sự của Mỹ để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản xâm nhập xuống Đông Nam châu Á, răn đe phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Máy bay Mỹ ném bom trong chiến tranh Việt Nam. Video tư liệu. |
Để thực hiện âm mưu đó, đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh đơn phương thời Tổng thống Dwight Eisenhower, áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở miền Nam. Bị thất bại trong cuộc chiến tranh đơn phương, Mỹ liền chuyển sang chiến lược chiến tranh đặc biệt, rồi leo thang thành chiến tranh cục bộ, chiến tranh Việt Nam hoá trong thời các tổng thống kế tiếp.
Đồng thời với cuộc chiến tranh trên bộ ở miền Nam, đế quốc Mỹ đã gây ra cuộc chiến tranh không quân, hải quân chống miền Bắc Việt Nam. Chúng đã ném xuống Việt Nam 15 triệu tấn bom, đạn và hơn 100 triệu lít chất độc hoá học, hòng biến Việt Nam thành hoang mạc, không còn sự sống. Theo thống kê sơ bộ, đã có hơn 849.000 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và hàng triệu thường dân thiệt mạng do bom đạn; hàng trăm nghìn tấn bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh đã làm ô nhiễm hàng triệu ha đất ở Việt Nam.

Máy bay A-1E Skyraider của Mỹ thả bom chứa phốt pho trắng vào một vị trí của bộ đội Việt Nam, năm 1966. (Ảnh: TTXVN/AP)

Bốn chiếc máy bay Ranch Hand C-123 rải chất độc hóa học vào cánh rừng nghi ngờ có bộ đội Việt Nam vào tháng 9/1965. Ảnh: TTXVN/AP

Trong bài nghiên cứu “Cuộc chiến nhiệm kỳ của các tổng thống Hoa Kỳ ở chiến trường Việt Nam (1954-1975)” đăng trên Tạp chí Lịch sử quân sự vào tháng 2/2014, PGS.TS Nguyễn Đình Lê đã nêu rõ: Từ năm 1954 đến năm 1975, lịch sử thế giới ghi nhận cuộc chiến tranh khốc liệt ở Việt Nam, mà thực chất là cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống sự xâm lược của Mỹ. Các diễn biến cuộc chiến đấu gay go quyết liệt ở chiến trường Việt Nam có ảnh hưởng to lớn đến chính trường Mỹ và ngược lại, mọi chính sách quyết định về chiến tranh ở Việt Nam từ Nhà Trắng đều ảnh hưởng đến tiến trình cuộc chiến.
Theo đó, trong 21 năm theo đuổi chiến tranh ở Việt Nam, các tổng thống Mỹ đã để lại một bức tranh đen tối trong lịch sử nước Mỹ, nhất là thời gian cầm quyền của Tổng thống Lyndon B. Johnson (1965-1968) và Richard Nixon (1969-1974).

Biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam tại thành phố Berkeley - Oakland, California vào tháng 12/1965. (Ảnh: TTXVN/AP)
Do ảnh hưởng lớn của chiến trường Việt Nam đến chính trường Mỹ nên các tổng thống Mỹ thường xuyên sử dụng lá bài chính trị Việt Nam để tranh giành ảnh hưởng. Yếu tố này mạnh đến mức phần lớn các ứng cử viên tổng thống, trong thời kỳ cuộc chiến tranh đang diễn ra, luôn hứa hẹn với cử tri rằng sẽ có kết cục tốt đẹp ở Việt Nam, đều lấy chủ đề chấm dứt chiến tranh Việt Nam để tranh thủ lá phiếu. Tuy nhiên, những nội dung từng hứa hẹn giải quyết vấn đề Việt Nam, trong thời gian vận động bầu cử, thường không được thực hiện sau khi họ trúng cử.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Lê, thông thường, ở năm đầu lên cầm quyền, các tổng thống Mỹ bắt đầu triển khai kế hoạch của mình ở Việt Nam: Tổng thống John F. Kennedy triển khai chiến lược chiến tranh đặc biệt vào đầu năm 1961. Lyndon B. Johnson - Tổng thống thứ 36 của Mỹ, thi hành chiến lược chiến tranh cục bộ ngay năm 1965. Cũng tương tự, tân Tổng thống Richard Nixon đã áp dụng chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh ngay trong năm 1969.

Tổng thống Richard Nixon đã áp dụng chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh
Trong ngót 10 năm (1965-1973), giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh ở Việt Nam, các tổng thống Mỹ đã đẩy các bước phiêu lưu quân sự của mình lên đỉnh điểm vào năm cuối trước nhiệm kỳ bầu cử tổng thống mới.
Như vậy, nhìn từ phía bên kia của cuộc chiến, Mỹ cứ 4 năm thay đổi chiến lược một lần hòng khuất phục nhân dân Việt Nam kháng chiến và tránh cho chế độ Sài Gòn khỏi sụp đổ. Trong chính sách nhiệm kỳ đó, từ năm thứ 3 đến trước mùa bầu cử mới, Mỹ đưa mức độ chiến tranh lên đỉnh điểm. Đó là “thời gian vàng” của những ông chủ Nhà Trắng, tung hết con bài trong tay ra nhằm đạt mục tiêu chiến tranh.
Dù các tổng thống Hoa Kỳ dù đã sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế khổng lồ của mình, lại có bộ máy chiến tranh khổng lồ giúp sức, nhưng cuối cùng vẫn không tránh khỏi thất bại cay đắng ở Việt Nam.

Lý giải về điều này, PGS.TS Nguyễn Đình Lê cho biết, khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam càng quyết liệt thì Bộ thống soái tối cao của lực lượng cách mạng càng hiểu rõ đối phương toàn diện hơn. Một mặt, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam thấy hết bản chất hiếu chiến của Nhà Trắng, Lầu Năm Góc. Mặt khác, cũng thấy rõ điểm yếu cơ bản của những kẻ thao túng chính trường Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Từ thông hiểu đối phương, các quyết sách được đưa ra trên cơ sở biết địch, biết mình và thường thấm nhuần hai điều cơ bản: Tích cực kiềm chế địch trong mọi hoàn cảnh; Tiến công kẻ thù quyết liệt khi chính trường Mỹ buộc các nhà hoạch địch chính sách xâm lược Việt Nam ở Washington đang phải tự kiềm chế hoạt động quân sự ở chiến trường Việt Nam vào thời gian nhạy cảm chính trị.
Với tính toán cả thế ta và địch, hiểu bối cảnh chung của chính trường Mỹ, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chuẩn bị mọi điều kiện tiến lên giải phóng miền Nam. Vào mùa Xuân 1975 , khi điều kiện đã chín muồi, quân và dân Việt Nam đã tiến lên đánh đổ chế độ Sài Gòn, thu non sông về một mối. Sự tính toán đầy mưu kế của các tổng thống Mỹ suốt nhiệm kỳ trong chiến tranh Việt Nam, rốt cuộc đã bị thất bại bởi cuộc chiến đấu kiên cường, đầy mưu trí và sáng tạo của nhân dân Việt Nam.
