Trong tuần 21/4-25/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho các thành viên vay tổng cộng hơn 42.460 tỷ đồng với lãi suất 4% trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá. Cùng thời gian trên, khối lượng đáo hạn lên tới gần 62.485 tỷ đồng.
Trên kênh tín phiếu không ghi nhận giao dịch khi nhà điều hành đã ngừng phát hành tín phiếu từ ngày 5/3. Tổng cộng trong tuần qua (từ 21/4-25/4), NHNN đã hút ròng 20.385 tỷ đồng khi lượng lớn giấy tờ có giá đáo hạn.

(Nguồn: Wichart)
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất kỳ hạn qua đêm có xu hướng giảm (trừ phiên 22/4), bắt đầu ở mốc 4,48% vào phiên đầu tuần (ngày 21/4), tăng lên mốc 4,69% trong ngày 22/4 trước khi giảm xuống 3,95% trong phiên sau đó và xuống mốc 2,46% tại ngày 25/4. Tổng cộng, trong tuần qua lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm 2,23%.
Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn từ một tuần tới ba tháng tại phiên 25/4 hiện dao động từ 4,05% - 4,75%, giảm so với phiên đầu tuần (trừ kỳ hạn một tháng và ba tháng).

(Nguồn: Wichart)
Về tỷ giá USD/VND tiếp tục xu hướng tăng chủ đạo trong thời gian gần đây. Ghi nhận trong ngày 26/4, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 24.963 VND/USD, tăng 15 đồng so với phiên hôm qua, tăng 621 đồng so với đầu năm.
Trước những diễn biến trên thị trường tiền tệ, các chuyên gia Chứng khoán KBSV dự báo tỷ giá USD/VND có thể tăng khoảng 4% so với cuối năm 2024. Mức tăng này chủ yếu đến từ các yếu tố như căng thẳng thương mại kéo dài, ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại vào Việt Nam, cũng như biến động của đồng USD trên thị trường quốc tế.
Theo KBSV, hai yếu tố chính chi phối tỷ giá trong thời gian tới là cung – cầu ngoại tệ và xu hướng của đồng USD toàn cầu. Song, các chuyên gia KBSV nhận định trong bối cảnh hiện tại sức ép từ DXY lên tỷ giá dự kiến sẽ không quá lớn như trong năm 2024 do thị trường lo ngại suy thoái và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 2 lần (mỗi lần 0,25 điểm %) từ tháng 6/2025.
Áp lực tỷ giá sẽ được xoa dịu khi sức mạnh của đồng USD suy yếu. Tuy nhiên, nếu căng thẳng thương mại tiếp tục kéo dài và làm suy giảm nguồn cung ngoại tệ, tỷ giá vẫn có nguy cơ chịu áp lực tăng trong các quý còn lại của năm.
Trong kịch bản tỷ giá tăng vượt ngưỡng kỳ vọng (trên 4%), các chuyên gia KBSV cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể can thiệp thị trường thông qua việc bán ngoại tệ dự trữ, phát hành tín phiếu hoặc thậm chí điều chỉnh tăng lãi suất để ổn định thị trường.

(Nguồn: Chứnhg khoán KBSV)