Nhiều câu chuyện về Bồ tát Thích Quảng Đức cũng như hành trình gìn giữ, bảo quản bảo vật Phật giáo này, vừa được Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam hữu duyên chia sẻ.

Không gian tại Việt Nam Quốc Tự với những tác phẩm, tư liệu hình ảnh, báo chí năm 1963 sẵn sàng cho việc tôn trí, chiêm bái xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức từ 14h ngày 6/5 (Ảnh: Báo Giác ngộ).
"Không có bức ảnh thời sự nào trong lịch sử tạo ra nhiều cảm xúc trên toàn thế giới như bức ảnh đó!"
Sau khi Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân vào sáng 11/6/1963, nhục thân Bồ tát đã được cung thỉnh về thiêu tại đài hỏa táng An dưỡng địa ở Phú Lâm (Sài Gòn).
Theo Hoà thượng Thích Giác Toàn, nhiều nhân chứng đã kể lại với ông, trong khi nhục thân biến thành tro, lạ lùng thay, quả tim vẫn còn. Quả tim được đưa trở lại lò, thiêu trong nhiều giờ liền, nhưng vẫn không cháy, trở thành một khối kết tinh rắn như đá với hình dáng nguyên vẹn.
"Đặc biệt có một phóng viên Mỹ, lúc đó đang làm việc ở Sài Gòn, ông ta vô cùng kinh ngạc. Sau khi chứng kiến cảnh tự thiêu của ngài Quảng Đức tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám, quận 3), ông ta còn đến tận lò thiêu của An dưỡng địa. Ổng phải tận mắt chứng kiến, kiểm chứng vậy rồi mới công nhận, viết bài và gửi ảnh sang Mỹ.
Trái tim bất năng huỷ từ đó được giữ lại, trở thành bảo vật của Phật giáo và của đất nước" - Hòa thượng Thích Giác Toàn nhắc lại lời kể của đại lão Hoà thượng Thích Đức Nghiệp - người đương thời từng dự buổi tự thiêu kinh thiên động địa đó.
Đầu tháng 6/1963, mặc dù một số phóng viên phương Tây tại Sài Gòn cũng đã được cảnh báo trước về "một sự kiện quan trọng" sẽ xảy ra với Phật giáo Việt Nam và thế giới. Phần lớn phóng viên đều không để tâm đến lời nhắn và ngày hôm sau, rất ít nhà báo xuất hiện.
Trong số đó có Malcolm Browne, lúc này đang làm trưởng đại diện hãng thông tấn AP tại Sài Gòn. Những bức ảnh của ông chụp nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu đã lên trang nhất khắp thế giới và trở thành biểu tượng của thời đại đó. Browne sau đó đã được trao giải thưởng Pulitzer cho Phóng sự quốc tế cũng như giải "Ảnh báo chí thế giới của năm" vào năm 1963.

Bức ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu (Tác giả: Malcolm Browne, phóng viên hãng thông tấn AP).
Tổng thống Mỹ Kennedy đã từng nói về bức ảnh được in rộng khắp trên các mặt báo Hoa Kỳ: "Không có bức ảnh thời sự nào trong lịch sử tạo ra nhiều cảm xúc trên toàn thế giới như bức ảnh đó."
Như để mở rộng hơn hiểu biết của phóng viên, Hoà thượng Giác Toàn chia sẻ thêm về nhân chứng sống là Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN Thích Đức Nghiệp: "Hồi đó cụ đã giỏi tiếng Mỹ lắm, tốt nghiệp tiến sĩ ở Mỹ về. Trong buổi tự thiêu ấy, cụ có mặt và gần bên Bồ tát Thích Quảng Đức những giây phút cuối cùng".
Những cuộc chiến và hành trình của xá lợi trái tim
Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo năm 1963 đã hội ý và quyết định đưa Trái tim của Bồ tát trở về chùa Xá Lợi tôn thờ. Qua bao biến thiên tang điền thương hải, Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức vẫn luôn được gìn giữ tôn nghiêm ở chùa Xá Lợi rồi Việt Nam Quốc Tự.
Hoà thượng Giác Toàn còn cho biết: "Lúc sinh thời, Hòa thượng Thích Từ Nhơn (trụ trì Việt Nam quốc tự) đã từng kể lại thời điểm đang ở Sa Đéc thì được triệu tập về Sài Gòn và được Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết giao nhiệm vụ bảo quản tôn thờ xá lợi trái tim ở Việt Nam Quốc Tự".
Để đảm bảo an toàn, Hòa thượng Từ Nhơn đề nghị gửi vào một Ngân hàng Pháp quốc tại Sài Gòn. Tại đây, trái tim Bồ tát đã được tôn trí trong một tháp bằng đồng, có dán niêm phong với chữ ký cùng dấu ấn mộc của Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết và Hoà thượng Từ Nhơn.
Trước năm 1975, Hòa thượng Từ Nhơn thường vào lễ xá lợi trái tim được cất giữ ở tầng hầm của ngân hàng vào những dịp giỗ Bồ tát và ngày Phật đản.
Sau năm 1975, theo quy định chung, Ngân hàng nhà nước tiếp quản các ngân hàng ở Sài Gòn, trong đó có việc tiếp nhận và gìn giữ trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức.
Đến năm 1991, một lần nữa, xá lợi của Bồ tát Thích Quảng Đức được Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM tổ chức bàn giao cho phía Phật giáo sự trước sự chứng kiến của đại diện GHPG Việt Nam, chính quyền địa phương và Ngân hàng nhà nước.
"Phòng chứa bí mật" với kỹ thuật và an ninh tuyệt mật
"Mới đó đã gần 35 năm…" - Hòa thượng Thích Giác Toàn bùi ngùi nhẩm nhớ về những kí ức vẫn còn sắc nét như mới vừa qua.
"Tôi nhớ hôm đó, đại diện phía Phật giáo có mặt tại văn phòng làm việc của Ngân hàng nhà nước có Hòa thượng Thích Thiện Hào, Hòa thượng Thích Từ Nhơn, Hòa thượng Thích Thông Bửu và tôi. Về phía ngân hàng và các cơ quan liên quan có ông Trịnh Thanh Tùng - Vụ phó Vụ Phát hành kho quỹ NHNN; bà Nguyễn Thị Thu Hồng - thủ quỹ NHNN; bà Trần Thị Kim Liên - kế toán NHNN; ông Nguyễn Văn Ngọc - Vụ phó Vụ Tôn giáo Chính phủ; ông Phạm Văn Hùng - Giám đốc Bảo tàng Cách mạng TP.HCM; ông Bùi Văn Hàn - Bộ Nội vụ; ông Đỗ Quốc Dân - Phó ban Tôn giáo TP.HCM. Do tính chất đặc biệt quan trọng và giá trị thiêng liêng của Trái tim Bồ tát, nên nghi thức ký nhận và bàn giao gửi lại kho chứa của NHNN được tiến hành một cách nghiêm cẩn.
Ngay sau khi mọi thành viên có mặt đông đủ, đại diện ngân hàng đã cẩn thận mang một chiếc tháp bằng đồng, cao chừng gần nửa thước, rộng cỡ 40cm; còn nguyên niêm phong có chữ ký và khuôn dấu của Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết và Hòa thượng Thích Từ Nhơn từ thời gửi cho ngân hàng ở chế độ cũ. Đại diện của NHNN cho biết Nhà nước đã bảo quản tốt từ sau ngày 30/4/1975, nay chuyển lại cho đại diện Phật giáo".

Xá lợi Trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức được bảo quản tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở TP.HCM (Ảnh: Báo Giác ngộ).
Hòa thượng Giác Toàn nói tiếp: "Chư tôn đức giáo phẩm sau hơn một giờ bàn bạc đã đi đến thống nhất gửi lại Ngân hàng nhà nước để gìn giữ và bảo quản".
Ba vị Hòa thượng Thích Thiện Hào, Thích Từ Nhơn và Thích Thông Bửu đã viên tịch, nay chỉ còn một nhân chứng duy nhất đại diện Giáo hội trong lễ bàn giao ký gửi lịch sử trên là Hòa thượng Thích Giác Toàn - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Theo chia sẻ từ Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, 35 năm qua, xá lợi trái tim vẫn ở trong một căn phòng đặc biệt, thuộc khu bảo quản, gìn giữ bảo vật quốc gia - ở dưới tầng hầm của toà nhà NHNN chi nhánh TP.HCM. Được biết, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN Việt Nam xây dựng kế hoạch và tiến hành bảo quản xá lợi Bồ tát hết sức cẩn mật.
"Căn phòng chứa xá lợi Bồ tát Thích Quảng Đức có diện tích dài rộng cỡ 4m x 6m. Ở giữa có bàn thờ lớn. Trên bàn thờ để tháp đồng chứa Ngọc Xá lợi. Họ bảo quản rất kỹ với kỹ thuật và an ninh tuyệt mật.
Duy nhất một ngày trong năm, vào ngày giỗ của Đức Bồ Tát, từ năm 1991, phía ngân hàng mời đại diện của Giáo hội đến cúng dường thắp hương tưởng nhớ. Tôi là Phó chủ tịch của trung ương GHPG nên có tham gia" - Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ.