Theo báo cáo tài chính quý I, Tập đoàn Bệnh viện TNH (Mã: TNH) ghi nhận doanh thu tăng nhẹ lên 93 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bất ngờ tăng cao khiến công ty bị lỗ gộp gần 8 tỷ đồng, lần đầu tiên kinh doanh dưới giá vốn.
Ngoài ra, chi phí tài chính cũng nhảy vọt 3 lần lên gần 11 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn gấp đôi lên 15 tỷ đồng.
Những biến động tiêu cực này khiến công ty bị lỗ sau thuế gần 35 tỷ đồng, cao số lỗ lớn nhất kể từ khi công khai tài chính năm 2018 đến nay. Đây là quý lỗ thứ 2 liên tiếp kể từ khi niêm yết trên HOSE.

TNH lần đầu tiên kinh doanh dưới giá vốn. Nguồn: Huy Lê tổng hợp.
Phía doanh nghiệp cho biết giá vốn tăng nhanh là do bệnh viện TNH Việt Yên mới đi vào hoạt động nên các chi phí phục vụ cho việc vận hành bệnh viện mới, chi phí khấu hao tài sản mới đưa vào hoạt động tương đối lớn; chi phí lãi vay và nhân sự cao so với doanh thu đạt được.
Mặc dù đi vào hoạt động từ đầu tháng 11/2024, tuy nhiên đến ngày 1/3/2025 bệnh viện TNH Việt Yên mới chính thức được triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nên số lượng bệnh nhân vào viện trong quý I/2025 chưa cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận chung.
Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng lên cũng do có 1 bệnh viện mới đi vào hoạt động nên tăng phí nhân sự, vật tư, khấu hao, marketing, chi phí nâng cao chất lượng dịch vụ...
Ngoài ra, Bệnh viện TNH Lạng Sơn do công ty con Bệnh viện TNH Lạng Sơn làm chủ đầu tư đang trong quá trình xây dựng nên chưa phát sinh doanh thu và đóng góp vào lợi nhuận của nhóm công ty.

TNH lỗ kỷ lục và nối dài chuỗi 2 quý lỗ liên tiếp. Nguồn: Huy Lê tổng hợp.
Tính đến hết quý I, tổng tài sản doanh nghiệp nhích nhẹ lên trên mốc 2.600 tỷ đồng, phần lớn nằm ở khoản mục tài sản cố định và tài sản dở dang dài hạn.
Hiện hệ sinh thái của TNH gồm chi nhánh bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, chi nhánh bệnh viện TNH Phổ Yên, chi nhánh bệnh viện TNH Việt Yên, công ty con 84,5% là Bệnh viện TNH Lạng Sơn. Công ty ghi nhận giá trị đầu tư dở dang 250 tỷ đồng để xây dựng Bệnh viện TNH Lạng Sơn, chi hơn 56 tỷ đồng xây dựng bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên giai đoạn 3 và đầu tư 20 tỷ đồng vào Bệnh viện TNH Hà Nội.
Công ty tiếp tục tăng quy mô nợ vay lên 782 tỷ đồng, cao hơn 20% so với thời điểm đầu năm, phần lớn là vay dài hạn để đầu tư tài sản cố định. Do việc thua lỗ, lợi nhuận chưa phân phối của công ty bị giảm về 66 tỷ đồng.