Hạn mức tín dụng được coi là một công cụ để điều tiết thị trường tài chính, tuy nhiên, công cụ này lại không mang tính thị trường mà nặng về tính hành chính nhiều hơn. Điều này làm dấy lên các quan điểm trái chiều về việc nên bỏ hay giữ room tín dụng.
Theo các chuyên gia, về dài hạn cần thay thế 'room' tín dụng bằng công cụ mang tính thị trường hơn nhưng trong bối cảnh hiện nay vẫn chưa nên bỏ hạn mức tín dụng.
Room tín dụng có thể xem như "phần thưởng" cho các ngân hàng tham gia tái cơ cấu
Trao đổi với chúng tôi, TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá cả, Bộ Tài chính, cho rằng room tín dụng không phải là một công cụ thị trường mà là một công cụ hành chính. Công cụ này can thiệp trực tiếp vào một chỉ tiêu rất quan trọng của quốc gia đó là tổng tín dụng nền kinh tế.
Trước đây, Việt Nam từng có giai đoạn bất ổn vĩ mô, trong đó tổng tín dụng của nền kinh tế tăng trưởng tới 30%/năm, đặc biệt năm 2007 lên tới sấp xỉ 54%/năm, đó là hệ quả trực tiếp từ câu chuyện bất ổn vĩ mô. Do đó, chúng ta buộc phải kiểm soát tổng mức tín dụng, TS. Ánh nói.
Nếu sử dụng các công cụ gián tiếp của thị trường như: Lãi suất, dự trữ bắt buộc hay yếu tố thị trường mở thì không thể kiểm soát được tổng tín dụng.
Sau giai đoạn tổng tín dụng tăng quá cao đã tạo ra hệ thống tài chính trong đó có không ít tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại tìm mọi cách để tăng tổng tín dụng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc phải sử dụng room tín dụng là một công cụ để kiểm soát hạn mức tín dụng.
Đặc biệt, vị chuyên gia này đánh giá 'room' tín dụng là công cụ rất tốt để cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Theo đó, nhà băng nào làm tốt sẽ được nới nhiều, ngân hàng nào gặp vấn đề sẽ được nới room ít hơn.
"Room tín dụng có thể được coi như là 'phần thưởng', khuyến khích các nhà băng tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, 'ngân hàng 0 đồng'. Hạn mức tín dụng sẽ bỏ nhưng không phải bây giờ", TS. Vũ Đình Ánh khuyến nghị.
Chuyên gia cho rằng, các công cụ mang tính thị trường chỉ thực sự phát huy hiệu quả trong một môi trường lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, và các nhà băng đều tuân thủ nghiêm túc các quy định chỉ khi đó mới nên bỏ room tín dụng.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng trần tín dụng đang là vấn đề còn tranh cãi, nhưng trong thời điểm hiện nay vẫn cần duy trì công cụ này hết năm nay và hết năm tới do nhu cầu về vốn của nền kinh tế rất khác so với giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, việc giữ room tín dụng còn là công cụ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, mặt bằng lãi suất,...
"Dù vậy, trong 1-2 năm tới cần nghiên cứu để thay công cụ này bằng một công cụ thị trường và gián tiếp hơn", ông Cấn Văn Lực nói.
Vì sao phải giữ cơ chế cấp room tín dụng?
Chia sẻ tại cuộc họp toàn ngành kéo dài 9 tiếng đồng hồ mới đây, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), đã giải thích vì sao phải cần cơ chế cấp room tín dụng cho các ngân hàng.
Ông Quang cho biết trước 2021 do đặc thù kinh tế Việt Nam, các nhu cầu vốn phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng, kênh tín dụng là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế, có tốc độ tăng rất nhanh.
Giai đoạn 2007 - 2010, tín dụng tăng bình quân trên 36%, tỷ lệ tín dụng/GDP cũng tăng rất nhanh, kéo theo các cuộc đua lãi suất, dẫn đến lãi suất cho vay tăng nhanh, nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng cao. Nhiều tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán, hệ thống đứng trước bờ vực khủng hoảng, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát lên mức 2 con số, đỉnh điểm là vào năm 2008.
Trước bối cảnh đó, từ năm 2011, kết hợp với việc siết chặt hoạt động thanh tra giám sát theo các tiêu chí an toàn theo chuẩn mực quốc tế, NHNN đã tiến hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng căn cứ vào năng lực tài chính, quản trị, điều hành.
Đại diện NHNN cho biết cơ quan điều hành luôn thường xuyên nghiên cứu, điều chỉnh, cập nhật để đảm bảo biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng bám sát tình hình thực tiễn, nhằm đạt mục tiêu hàng năm do chính phủ, NHNN đặt ra.
Cũng tại cuộc họp này, các tổ chức tín dụng đã đồng tình với việc giữ hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm nay ở mức 14% là hợp lý, phù hợp trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau dịch và đã tăng cao hơn so với năm trước.
Đồng thời, cần có tỷ lệ phân bổ theo chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng tránh việc phân bổ cào bằng và việc thông tin riêng đến từng đơn vị cần thiết vì phân bổ theo xếp loại không thể công khai ra công chúng ảnh hưởng đến sự cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng.
Các ý kiến cũng cho rằng nếu tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao sẽ dẫn đến nguy cơ chạy đua lãi suất giữa các tổ chức tín dụng và an toàn hệ thống.