Bất động sản

Đất cụm công nghiệp thành biệt thự


Theo quy hoạch, CCNLN Dương Liễu được thành phố Hà Nội phê duyệt 6,279 hecta đất để xây dựng nhà xưởng sản xuất; 2.228m2 đất xây văn phòng, trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề; đất hạ tầng kỹ thuật là 1.153m2, đất bãi đỗ xe là 1.440m2, đất cây xanh là 12.441m2, đất giao thông là 3,46 hecta. Quy hoạch CCNLN Dương Liễu cũng không thể hiện có các ô đất để xây dựng nhà ở.

Tuy nhiên, thực tế ghi nhận của phóng viên có nhiều công trình tương tự nhà ở trong CCNLN này. Cạnh những lô đất là xưởng sản xuất xuất hiện nhiều công trình có kiến trúc giống biệt thự cao cấp song lập, nhà ở cao tầng, nhà hàng kinh doanh.

Đất cụm công nghiệp thành biệt thự - Ảnh 1.

Các công trình có kiến trúc như biệt thự tại CCNLN Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Long Vân


Tại các công trình này, phía bên ngoài được ghi trên tấm bảng đề tên hộ kinh doanh, tên Cty, doanh nghiệp, địa chỉ và số điện thoại giao dịch. Tuy nhiên, những công trình trên được xây dựng với lối kiến trúc cao cấp, cánh cổng sơn son thiếp vàng và với hàng cây cảnh và hòn non bộ. Trong đó có giường ngủ, bàn ăn, quần áo… và có người già, trẻ nhỏ ở lại sinh hoạt cả ngày lẫn đêm.

Một số người dân sinh sống ở Dương Liễu (đề nghị giấu tên) cho biết, giá thuê đất tại CCNLN Dương Liễu được đẩy lên cao, điều này khiến không ít hộ làm nghề gặp khó khi muốn vào tham gia sản xuất tại cụm.

Trước một công trình xây dựng 3 tầng trưng biển cho thuê, ngỏ ý muốn thuê làm kho chứa lốp ô tô, chủ xưởng đồng ý. Vị chủ xưởng cho biết, xưởng xây kiên cố, có 3 sàn, mỗi sàn 500m2, nếu thuê cả 3 tầng thì giá là 80.000 đồng/m2/tháng. Nếu thuê riêng lẻ, tầng 1 là 85.000 đồng/m2/tháng và thanh toán 6 tháng/lần. Khách đồng ý thì làm hợp đồng và đặt cọc trước 2 tháng tiền thuê. Giá cho thuê ở đây tương đương với một số quận tại Hà Nội và cao hơn gấp rưỡi so với một số huyện ngoại thành.

Về vấn đề giá thuê đất, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hoài Đức cho biết, sau khi được giao đất, chủ đầu tư làm đơn gửi Cục Thuế Hà Nội, để cơ quan này kiểm tra và xác định vị trí khu vực.

Căn cứ bảng giá của từng vị trí, khu vực, cơ quan thuế ra thông báo gửi Sở TN&MT, huyện Hoài Đức. Sở TN&MT căn cứ vào thông báo đó để ký hợp đồng cho thuê đất, trong đó có đơn giá. Sau đó, chủ đầu tư căn cứ vào giá thuê đất, chi phí đầu tư hạ tầng, chi phí bồi thường… và quyết định giá cho thuê đất tại CCNLN. Nhà đầu tư thứ cấp sẽ thỏa thuận giá thuê với chủ đầu tư.

Theo ông Hoàng, tại Hà Nội chính sách hỗ trợ người dân làng nghề vào cụm công nghiệp sản xuất được thực hiện theo Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Căn cứ vào đây, chủ đầu tư cũng được hưởng chính sách ưu đãi như giảm tiền thuê đất.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm