Đó là thông tin được chia sẻ bởi Altrata, công ty hàng đầu thế giới chuyên thu thập dữ liệu toàn cầu về các cá nhân giàu có. Altrata định nghĩa giới siêu giàu gồm những người có giá trị tài sản ròng từ mức 30 triệu USD.
Đứng đầu danh sách là Đại học Harvard với 17.660 cựu sinh viên siêu giàu. Các vị trí ngay sau thuộc về Đại học Stanford (7.972), Đại học Pennsylvania (7.517), Đại học Columbia (5.528) và Đại học New York (5.214).
Đại học Harvard luôn được đánh giá cao về chất lượng đào tạo. (Ảnh: Independent)
Đại học Quốc gia Singapore đứng ở vị trí hàng đầu trong số các trường đại học ở châu Á, với hơn 3.600 cựu sinh viên siêu giàu.
Hai trường đại học hàng đầu Trung Quốc, bao gồm Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, không nằm ngoài danh sách.
Đại học Bắc Kinh, trường cũ của nhà đồng sáng lập Baidu Lý Ngạn Hoành, tạo ra khoảng 1.101 cá nhân có giá trị tài sản ròng cực kỳ cao, xếp thứ 8 trong danh sách. Forbes đã vinh danh người đàn ông 53 tuổi này là người giàu thứ 45 ở Trung Quốc với khối tài sản khoảng 7,7 tỷ USD.
Đại học Thanh Hoa, ngôi trường mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tốt nghiệp, tạo ra khoảng 1.100 cựu sinh viên siêu giàu, theo sát trong danh sách với vị trí thứ 9.
Một số đại học khác thuộc châu Á cũng gây chú ý với số lượng cựu sinh viên cực kỳ giàu có, bao gồm Đại học Mumbai (Ấn Độ), Đại học Delhi (Ấn Độ) và Đại học Mỹ ở Beirut (Liban).
Theo báo cáo của Altrata, sự thành công của cựu sinh viên không chỉ là yếu tố đánh giá đầu ra của trường đại học mà còn mang lại nhiều lợi ích khác nhau về tài chính và danh tiếng học thuật. Một ngôi trường có nhiều cựu sinh viên thành công được cho là liên quan tới cơ sở hạ tầng tốt, chất lượng đào tạo ấn tượng và khả năng hỗ trợ phát triển nghề nghiệp cao.
Nguồn: Next Shark