Tài chính

Trước thềm sự kiện lớn, ông Putin tuyên bố: Hệ thống thay thế SWIFT đã sẵn sàng cho BRICS

Tổng thống Putin sắp dự thượng đỉnh BRICS

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23/6 sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) do Bắc Kinh chủ trì dưới hình thức trực tuyến. Đây sẽ là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Nga tham dự một hội nghị quốc tế lớn kể từ sau khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra.

Đài CNN (Mỹ) bình luận, mặc dù hội nghị chỉ diễn ra theo hình thức trực tuyến, nhưng đối với Tổng thống Putin, nó cũng mang đến thông điệp tích cực. Ông Putin sẽ xuất hiện trên màn hình cùng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa.

Theo CNN, điều này cho thấy Nga không đơn độc dù nước này đang phải gánh chịu một loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trước đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga đã khẳng định mối quan hệ "không giới hạn" của hai nước. Các nhà lãnh đạo BRICS cho đến nay vẫn từ chối trực tiếp lên án "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine.

CNN dẫn lời các chuyên gia cho biết thái độ và quyết định tham gia thượng đỉnh BRICS trực tuyến phần nào phản ánh quan điểm khác với phương Tây của BRICS về trật tự toàn cầu và cụ thể hơn là tình hình ở Ukraine.

Ông Sushant Singh, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách (CPR) ở New Delhi, bình luận: "Chúng ta đang đề cập tới việc các lãnh đạo quốc gia có nền kinh tế lớn trên thế giới sẵn sàng gặp gỡ và đối thoại với ông Putin , dù đó chỉ là một hội nghị trực tuyến."

Ông Singh nói thêm: "Thực tế là ông Putin vẫn được chào đón và không hề bị cô lập. Đây là hội nghị thường niên, và việc nó vẫn diễn ra trong bối cảnh hiện nay là một điểm cộng lớn cho ông Putin".

Sau thượng đỉnh BRICS, trong tuần này, nhóm các nền kinh tế tiên tiến hàng đầu thế giới G7 cũng sẽ tổ chức hội nghị. Nhóm G7 có quan điểm chung là phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Khác với nhóm G7, nhóm BRICS được cho là sẽ thận trọng hơn khi thảo luận về vấn đề Ukraine, nhiều khả năng sẽ đưa ra tuyên bố ủng hộ giải pháp hòa bình dù các thành viên của nhóm này có thể lên tiếng kêu gọi các nước phương Tây cân nhắc hậu quả của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế toàn cầu, CNN dẫn lời các chuyên gia.

Là nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay, Trung Quốc - cường quốc kinh tế lớn nhất trong số 5 nước thành viên và chiếm khoảng 1/4 GDP toàn thế giới - được cho là sẽ tập trung hơn vào chương trình nghị sự của riêng họ, bao gồm việc thúc đẩy các sáng kiến an ninh và phát triển toàn cầu mới và đẩy lùi ảnh hưởng của các "khối" khác do Mỹ dẫn đầu.

Tháng trước, phát biểu trước các ngoại trưởng BRICS, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết các quốc gia thành viên của khối nên "tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị và hợp tác an ninh, phối hợp trong các vấn đề lớn của quốc tế và khu vực, điều chỉnh để phù hợp với các lợi ích cốt lõi của nhau và phản đối chủ nghĩa bá quyền và cường quyền chính trị".

Ông Shahar Hameiri, giáo sư và là và nhà kinh tế chính trị tại Đại học Queensland, Australia cho biết: Trong bối cảnh Moskva chịu hàng loạt đòn trừng phạt của phương Tây, Nga và các nước thành viên nhóm BRICS nhiều khả năng sẽ thảo luận về hoạt động thương mại sử dụng đồng nội tệ thay cho đồng USD.

Trước thềm sự kiện lớn, ông Putin tuyên bố: Hệ thống thay thế SWIFT đã sẵn sàng cho BRICS - Ảnh 1.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2019


Ông Tập tuyên bố ủng hộ Nga về các vấn đề lợi ích cốt lõi

Ngày 15/6, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã có cuộc điện đàm lần thứ hai kể từ sau khi xung đột Ukraine nổ ra.

Theo đài CCTV của Trung Quốc, trong cuộc điện đàm, ông Tập đã nói rằng quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Nga có "xung lực tốt cho sự phát triển", khẳng định ủng hộ Nga về các vấn đề lợi ích cốt lõi.

"Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục ủng hộ phía Nga trong các vấn đề liên quan lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm lớn như chủ quyền và an ninh, đồng thời thúc đẩy hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa hai quốc gia", nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định.

Về tình hình Ukraine, ông Tập đã kêu gọi Moskva và các bên liên quan cần "thúc đẩy một giải pháp thích hợp để giải quyết cuộc khủng hoảng một cách có trách nhiệm"; đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý hợp tác nhằm thúc đẩy một trật tự quốc tế "công bằng và hợp lý hơn".

Hai nhà lãnh đạo cũng đã đồng ý tăng cường liên lạc và mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, thông qua các tổ chức khu vực và quốc tế quan trọng, trong đó bao gồm Nhóm BRICS.

Trước thềm sự kiện lớn, ông Putin tuyên bố: Hệ thống thay thế SWIFT đã sẵn sàng cho BRICS - Ảnh 3.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2019

Tổng thống Putin: SPFS của Nga đã sẵn sàng cho BRICS

Đài RT (Nga) cho biết, phát biểu trước thềm hội nghị thượng đỉnh BRICS, Tổng thống Putin cho biết Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS) - phiên bản thay thế cho hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT của Nga - đã sẵn sàng cho các quốc gia thành viên thuộc BRICS.

Theo đó, các ngân hàng của các quốc gia thành viên BRICS giờ đây đã có thể tự do kết nối với SPF.

Ông Putin cũng nói rằng Nga đang cùng với các đối tác BRICS - Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - phát triển các giải pháp thay thế đáng tin cậy cho thanh toán quốc tế.

SPFS có chức năng tương tự như SWIFT và được Ngân hàng Trung ương Nga tạo ra như một giải pháp thay thế cho SWIFT sau khi Nga bị trừng phạt và nhiều ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi SWIFT.

Vào tháng 4/2022, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết hầu hết các tổ chức cho vay của Nga và 52 tổ chức nước ngoài từ 12 quốc gia đã nhận được quyền truy cập vào SPFS, và cơ quan quản lý sẽ giữ bí mật danh tính của các bên tham gia hệ thống thanh toán này./.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm