Doanh nghiệp

Trung Quốc muốn mở rộng ngành hàng điện tử tại Việt Nam

Trung Quốc muốn mở rộng ngành hàng điện tử tại Việt Nam - 1

Đây là đánh giá của ông Từ Sinh Đông, Phó chủ tịch Hiệp hội điện gia dụng Trung Quốc, trong một thội thảo chuyên ngành điện tử tiêu dùng do Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam khu vực TP.HCM (VCCI khu vực TP.HCM) và công ty AVI Việt Nam tổ chức vào đầu tuần qua.

Việt Nam mang nhiều triển vọng

Theo ông Từ Sinh Đông, thị trường điện gia dụng Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh và người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến thương hiệu và chất lượng.

Cùng đó, cơ cấu dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế và quá trình đô thị hóa nhanh, đã giúp Việt Nam thành điểm đến đầy hấp lực của các ngành điện tử tiêu dùng chất lượng cao của Trung Quốc.

Trong khi đó, với ngành này Trung Quốc có nhiều lợi thế. Chỉ tính năm 2023, sản lượng điện gia dụng của Trung Quốc chiếm tỉ lệ cao trên thế giới. Đồng thời, tổng doanh thu bán lẻ điện gia dụng của Trung Quốc chiếm 27% thị trường toàn cầu.

Một thực tế được ông Đông chỉ ra rằng, một số doanh nghiệp điện gia dụng Trung Quốc như TCL, Haier, Midea, Gree… luôn tăng trưởng tốt tại Việt Nam. Các đơn vị còn mở nhà máy và mở rộng phân phối các những sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ tốt.

Ở góc độ bán lẻ, ông Nguyễn Việt Anh, đại diện Công ty cổ phần bán lẻ Kỹ thuật số FPT cũng nhìn nhận, thị trường điện gia dụng và điện tử tiêu dùng của Trung Quốc hiện đang dẫn trước Việt Nam khoảng 10 năm.

Dù vậy ông Việt Anh cho rằng, chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc từ 2010 đến 2017 có thể sẽ được tái hiện tại thị trường Việt Nam nhờ quá trình đô thị hóa nhanh chóng và xu hướng người tiêu dùng ngày càng trẻ hóa tại Việt Nam. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất trong ngành.

Trung Quốc muốn mở rộng ngành hàng điện tử tại Việt Nam - 2

Nâng cao chất lượng hàng hóa 

Trước mong muốn mở rộng thị trường của các doanh nghiệp ngành điện gia dụng Trung Quốc, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, hiện tại, Trung Quốc và Việt Nam đang có quan hệ kinh tế giao thương rất chặt chẽ.

"Vì thế mà chúng ta có thể tin rằng Việt Nam và Trung Quốc có không gian hợp tác rộng rãi trong lĩnh vực thiết bị điện máy gia dụng và thiết bị viễn thông, kỹ thuật số" - ông Tài nói.

Nói thêm, ông Từ Sinh Đông cho rằng, khi ngành điện gia dụng của nước này tham gia nhiều hơn nữa tại thị trường Việt Nam, có thể hợp tác và đồng hành về mặt chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành, để đôi bên cùng có lợi.

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI khu vực TPHCM cũng đánh giá, mô hình hợp tác bổ sung ngành công nghiệp này sẽ thúc đẩy sự phát triển chung của các doanh nghiệp hai bên, và còn tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của cả hai quốc gia.

"Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM đang là điểm đến tiềm năng của ngành công nghiệp nhẹ của Trung Quốc" - ông Liên nói.

Dù vậy, theo các chuyên gia, những yêu cầu trong tiêu dùng của người Việt ngày càng được nâng cao. Một nghiên cứu của NielsenIQ Việt Nam chỉ ra, 42% người dùng Việt chỉ mua sản phẩm điện máy và dịch vụ từ thương hiệu uy tín. 

Ông Đỗ Cao Quốc Huy, đại diện Lazada Việt Nam cũng cho biết, hiện nay chất lượng sản phẩm điện gia dụng và điện tử tiêu dùng của Trung Quốc tại Việt Nam đang được nâng cao nhanh chóng, khác với những ấn tượng trước đây. Bằng chứng cho thấy, các sản phẩm điện tử, điện máy gia dụng chất lượng cao của thị trường này đang được đón nhận tích cực trên sàn TMĐT.

Dù vậy, để chinh phục thị trường, NielsenIQ Việt Nam cho rằng các sản phẩm phải chất lượng, có tác động tốt cho sức khỏe người dùng. Doanh nghiệp phải lấy khách hàng làm trọng tâm, đặt mục tiêu hướng đến bền vững lâu dài.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm