Thảo luận tại Hội trường vào sáng nay (22/11), Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong đó, vấn đề nóng nhất được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận là việc bổ sung nước giải khát có đường vào chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và lộ trình tăng thuế với các sản phẩm rượu, bia, thuốc lá....
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, dự án luật được xây dựng nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) để mở rộng cơ sở thu (như bổ sung vào đối tượng chịu thuế đối với nước giải khát có đường, áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá, tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia...).
Việc điều chỉnh các quy định này nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, đảm bảo thu đúng thu đủ vào ngân sách nhà nước (NSNN), đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.
Về đối tượng không chịu thuế TTĐB, dự luật sửa đổi quy định hàng hóa do tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, thuê gia công trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài hoặc bán, ủy thác cho tổ chức, cá nhân kinh doanh khác để xuất khẩu ra nước ngoài thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB để đảm bảo minh bạch chính sách.
Đồng thời, sửa đổi quy định hàng hóa nhập khẩu không chịu thuế TTĐB để xử lý những bất cập phát sinh trong thực tế và đồng bộ với pháp luật chuyên ngành...
Về người nộp thuế, sửa đổi, bổ sung quy định về người nộp thuế TTĐB là tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB để bao quát các trường hợp. Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung đồng bộ các quy định tại Luật về “cơ sở” sản xuất/nhập khẩu/kinh doanh/sản xuất kinh doanh thành “tổ chức, cá nhân” sản xuất/nhập khẩu/kinh doanh/sản xuất kinh doanh để thống nhất, đồng bộ về khái niệm.
Cân nhắc việc bổ sung nước giải khát có đường vào chịu thuế TTĐB
Trình bàyBáo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB vì nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây ra bệnh thừa cân béo phì.
Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, để hạn chế tình trạng thừa cân béo phì, việc sử dụng các giải pháp khác như đẩy mạnh việc truyền thông, giáo dục về chế độ ăn uống và dinh dưỡng, tăng cường hoạt động thể chất, quy định giới hạn các nội dung được phép quảng cáo liên quan đến sản phẩm có đường,... có thể sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong bảo vệ sức khỏe người dân.
Việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế TTĐB không chỉ tác động không thuận tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất nước giải khát mà còn có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời, có thể gia tăng việc sử dụng các mặt hàng đồ uống được sản xuất không chính thức hoặc các sản phẩm sản xuất thủ công.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng cho biết một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng cần cân nhắc tính toán, đề xuất mức tăng thuế TTĐB hợp lý đối với mặt hàng rượu, bia để có thể đạt được các mục tiêu đặt ra. Có ý kiến cho rằng, việc quy định thuế suất đối với bia bằng thuế suất đối với rượu trên 20 độ là chưa thực sự phù hợp vì tác hại của rượu hay bia phụ thuộc chính vào nồng độ cồn.