Sáng 22/11, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Một trong những nội dung mới được Phó thủ tướng Lê Thành Long trình bày tại dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) là việc bổ sung quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam qua sàn thương mại điện tử, nền tảng số phải nộp thuế với thu nhập phát sinh ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng cho biết, về người nộp thuế là các tổ chức nước ngoài có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử (Điều 2): Dự thảo Luật bổ sung quy định về việc thu thuế đối với người nộp thuế là các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và bổ sung quy định về loại hình cơ sở thường trú “ảo” (không có hiện diện vật lý).
Cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài gồm nền tảng thương mại điện tử, công nghệ số mà qua đó họ cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Làm rõ tính khả thi của việc thu thuế với nhà cung cấp nước ngoài
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ làm rõ ba vấn đề.
Thứ nhất là khả năng thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên thực tế đối với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử.
Thứ hai là tính phù hợp về phạm vi quyền đánh thuế của Việt Nam trong trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài nêu trên có hình thành cơ sở thường trú tại Việt Nam so với các quy định trong các Hiệp định thuế đã được ký kết.
Và thứ ba là việc áp dụng Luật trong trường hợp có quy định khác biệt với Hiệp định thuế đã ký kết (liên quan đến loại hình cơ sở thường trú không có hiện diện vật lý).
Theo thông lệ quốc tế, với thương mại điện tử, các nước chỉ quy định đánh thuế TNDN với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Giao dịch về hàng hóa được đối xử như giao dịch xuất nhập khẩu thông thường, nên các nước chỉ thu thuế gián thu, không thu thuế TNDN. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong số doanh nghiệp nộp thuế qua cổng thông tin điện tử chủ yếu là các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, không có nhà cung cấp hàng hoá.
Với trường hợp doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, nền tảng số có cơ sở thường trú tại Việt Nam, tức họ đăng ký kinh doanh một nền tảng tại Việt Nam, dự luật nêu đánh thuế với phần "thu nhập phát sinh tại Việt Nam".
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách việc này có thể chưa bao quát hết các khoản thu nhập mà Việt Nam có quyền thu, bao gồm toàn bộ thu nhập liên quan đến cơ sở thường trú đó ở trong và ngoài nước.
Liên quan tới quy định về cơ sở thường trú "ảo" (tức không có hiện diện vật lý ở Việt Nam) của doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan thẩm tra đồng tình với việc bổ sung này. Bởi quy định này sẽ mở rộng quyền đánh thuế của Việt Nam trong trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú ảo tại Việt Nam. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng cần làm rõ về tính khả thi vì các hiệp định thuế mà Việt Nam đã ký với các nước không có quy định này.
"Trên thực tế, nhà cung cấp nước ngoài trên nền tảng thương mại điện tử hiện chủ yếu là đối tượng cư trú tại các nước đã ký Hiệp định tránh thuế hai lần với Việt Nam. Với các nước không ký hiệp định thuế này, họ có thể dễ dàng tái cơ cấu để di chuyển hoặc lập cơ sở kinh doanh tại quốc gia khác để được hưởng ưu đãi thuế. Vì vậy, Cơ quan thẩm tra đề nghị Bộ Tài chính làm rõ định hướng với quản lý thu thuế sàn thương mại điện tử, nền tảng số và giải pháp xử lý",Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách nói.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này chưa giải quyết được tổng thể các vấn đề đặt ra để thu hút đầu tư một cách hiệu quả trong điều kiện mới. Hiện các nước trong khu vực cũng chưa có bước đi rõ ràng về các chính sách ưu đãi thuế trong bối cảnh “hậu thuế tối thiểu toàn cầu”, vì vậy, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm về lùi thời điểm sửa Luật này cho phù hợp.