Nhà bác học Albert Einstein qua đời năm 1955, nhưng AI đang cho phép nhiều người trò chuyện với bản sao của ông. Chatbot Einstein hay Elon Musk trên Character.AI đã phản hồi hàng triệu lời nhắn, đề cập tới mọi chủ đề từ thuyết tương đối đến chọn thú cưng.
Thung lũng Silicon đang trải qua cơn sốt chatbot vận hành bằng AI, với những công ty như OpenAI đạt giá trị hàng tỷ USD nhờ phát triển những phần mềm có thể mô phỏng cách con người nói chuyện. Tuy nhiên, Character.AI là một trong những trường hợp lạ lùng và đặc biệt nhất. Startup kỳ lân được định giá khoảng một tỷ USD cho phép người dùng tự tạo chatbot, mô phỏng bất cứ ai họ muốn, dù còn sống hay đã chết.
Character.AI cho biết mỗi tháng có hơn 200 triệu lượt truy cập website và người dùng đã tạo ra hơn 10 triệu chatbot khác nhau. Ứng dụng di động Character.AI được tung ra hồi tháng 5 và có hơn 2,5 triệu lượt tải, vượt xa những sản phẩm tương tự như Chai và AI Chatbot.
Những chatbot của Character.AI đang nhận được rất nhiều đề nghị trò chuyện. Người dùng đã gửi hơn 36 triệu thông điệp tới Mario, chatbot dựa trên nhân vật game nổi tiếng của Nintendo. Raiden Shogun và Ei, nhân vật trong Genshin Impact, cũng nhận 133 triệu tin nhắn.
"Tôi thường đùa chúng tôi sẽ không thay thế Google, mà thay thế phụ huynh của các vị", người đồng sáng lập và CEO Character.AI Noam Shazeer nói trong cuộc phỏng vấn hồi đầu năm nay. Ông nhanh chóng thêm rằng "nhưng chúng tôi không muốn thế chỗ phụ huynh của ai cả".
Dù thành công, Character.AI cũng đang đối mặt với hàng loạt câu hỏi gai góc. Website của họ có 20 phiên bản chatbot chuột Mickey, là tài sản sở hữu trí tuệ của Walt Disney, dẫn đến vấn đề pháp lý tiềm tàng. Sự phổ biến của chatbot giả dạng người thật cũng đặt ra câu hỏi về quyền sở hữu hình ảnh nhân vật.
Shazeer và người đồng sáng lập Daniel De Freita gặp nhau tại Google, sau đó quyết định thành lập Character.AI năm 2021. Cả hai đều là những người có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp AI.
Ý tưởng đằng sau startup này là thiết lập hệ thống mở, cho phép người dùng tự xây dựng công nghệ theo ý muốn. De Freitas muốn tất cả mọi người có thể tiếp cận "trí tuệ siêu việt, được tùy biến theo cá nhân, giúp họ cải thiện cuộc sống".
Các nhà đầu tư tỏ ra hào hứng với ý tưởng của Character.AI, giúp họ huy động được 150 triệu USD sau 16 tháng thành lập. Character.AI phổ biến đến mức tình trạng gián đoạn dịch vụ xảy ra thường xuyên. Ban lãnh đạo công ty coi đó là cơ hội tạo ra doanh thu cho Character.AI giai đoạn này. Đó là người dùng có thể bỏ ra 10 USD mỗi tháng để dùng dịch vụ c.ai+, giúp họ bỏ qua phòng chờ và truy cập tin nhắn gửi đến chatbot nhanh hơn, kèm theo nhiều lợi ích khác.
"Người trả tiền sẽ trải nghiệm dịch vụ tốt hơn, số tiền thu được cũng giúp cải thiện chất lượng của toàn bộ dự án", Shazeer nói.
Ngành AI đang đối mặt với nhiều lo ngại và Character.AI không phải ngoại lệ, trong đó có vấn đề sử dụng sai mục đích. Ví dụ, chatbot "Bác sĩ tâm lý", với ảnh đại diện là một nhà tâm lý học đang cười, đã nhận được hơn 30 triệu tin nhắn. Stephen Ilardi, nhà tâm lý học lâm sàng và giảng viên Đại học Kansas của Mỹ, nói bác sĩ tâm lý là những chuyên gia được đào tạo chuyên sâu để giúp bệnh nhân giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần.
"Thứ này chắc chắn không làm được điều đó", ông nói.
Zahr Said, giáo sư luật tại Đại học Washington, cho rằng Character.AI cũng phải đối mặt vấn đề liên quan tới bản quyền hình ảnh, do người dùng được phép tải bất kỳ ảnh nào họ muốn khi thiết lập chatbot. Họ cũng có thể trò chuyện hàng giờ với chatbot được tạo dựa trên người thật hoặc nhân vật giả tưởng được đăng ký bản quyền.
CEO Shazeer cho biết công ty có luật sư và luôn đáp ứng các đề nghị xóa nội dung. Phát ngôn viên Character.AI nói họ đã nhận được số lượng nhỏ đề xuất xóa nhân vật và tuân thủ yêu cầu. Website của công ty cũng hiển thị dòng chữ "mọi điều nhân vật nói đều là lời bịa" để nhắc nhở người dùng.
(theo Fortune)