Thời sự

Xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đạt 42% mục tiêu cả năm: Chặng đường về đích sẽ còn khó khăn?

Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước. Đây là tháng thứ hai liên tiếp kim ngạch xuất khẩu tăng và gần cao nhất từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên so với mức nền cao của năm ngoái, con số này giảm 11,4%.

 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Tuy chúng ta vẫn xuất siêu 12,25 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, song đây vẫn chưa hẳn là điều đáng mừng bởi cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm cho thấy đà phục hồi của kinh tế thế giới vẫn đang ở mức chậm.

 

Số liệu cho thấy xuất khẩu sang 6 thị trường chủ lực, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản đều ghi nhận tăng trưởng âm so với cùng kỳ.

 

 

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 ngành Công Thương, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết xuất khẩu nửa đầu năm 2023 giảm mạnh do từ quý III/2022, lạm phát đạt đỉnh lịch sử tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như Mỹ, EU... khiến giá cả hàng hóa tăng cao, thu nhập của người lao động giảm, nhu cầu với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gỗ, giày dép, dệt may, thủy sản... lao dốc

Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch bệnh cũng bổ sung nguồn hàng lớn, tạo nên sức ép cạnh tranh mạnh mẽ cho hàng hóa của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc và Việt Nam khá tương đồng trong khi xuất khẩu của ta sang Trung Quốc chưa tăng trưởng mạnh như kỳ vọng do Trung Quốc cũng chưa “phục hồi" hoàn toàn sau thời gian dài thực thi chính sách Zero COVID và nhu cầu còn thấp.

“Các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đang đối mặt với khó khăn chồng khó khăn, trong đó việc không có đơn hàng dẫn tới phải cắt giảm công suất, thậm chí là dừng sản xuất”, ông Trần Duy Đông nói.

Theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, hiện hoạt động xuất khẩu đã lấy lại được đà phục hồi và tăng trưởng. Thăng dự thương mại lớn 12,25 tỷ USD đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, cải thiện dự trữ ngoại hồi, tạo dư địa lớn trong điều hành chính sách tiền tệ.

Xuất khẩu hàng công nghiệp giảm mạnh trong khi hàng nông sản tăng trưởng khá tốt đặc biệt là một hàng rau quả, gạo và hạt điều.

Phạm Mơ tổng hợp từ Tổng cục Hải quan và Bộ Công Thương. 

Kết thúc 6 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa mới hoàn thành được gần 42% mục tiêu cả năm (394 tỷ USD). Như vậy quãng đường còn lại của năm 2023, xuất khẩu hàng hóa sẽ cần tăng trưởng mạnh, bù đắp cho giai đoạn đầu năm.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Thế Minh,  Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, nhận định nửa cuối năm thương mại hàng hóa tích cực hơn, song việc đạt được kế hoạch sẽ có nhiều khó khăn và kém khả thi vì các đối tác vẫn khá thận trọng trong việc đặt hàng. 

Để lấy lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu, ông Trần Duy Đông cho biết Bộ Công Thương sẽ kiến nghị thêm chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí và tạo ra nhiều sản phẩm cạnh tranh hơn.

Bộ sẽ tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại, trong đó tập trung vào việc sớm hoàn tất các thủ tục để tiến hành ký kết Hiệp định FTA với Israel; đồng thời đẩy nhanh đàm phán ký kết hiệp định thương mại với các thị trường còn là tiềm năng như UAE, Mercosur…

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, tự chứng nhận xuất xứ cho các Sở Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT đàm phán với các nước, đặc biệt là Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới...

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, trong đó, tập trung vào việc tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), cho phép doanh nghiệp tự in C/O từ hệ thống eCoSys của Bộ Công Thương và đẩy mạnh việc khai báo, nộp hồ sơ C/O điện tử mẫu AK và VK điện tử sang thị trường Hàn Quốc.

Nâng cao tốc độ thông quan xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; có giải pháp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Bàn về giải pháp cho xuất khẩu, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh các cơ quan theo chức năng cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới nổi, thị trường ngách, có nhiều tiềm năng; đồng thời, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu. 

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.  

Bộ trưởng yêu cầu các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường và thường xuyên cập nhật các quy định, chính sách mới của nước sở tại để tham mưu, đề xuất những phản ứng chính sách kịp thời, nhanh nhạy.

Tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực mà trong nước đang có nhu cầu và có chính sách ưu đãi đầu tư như cơ khí, chế biến chế tạo, điện tử, hóa chất, vật liệu mới và các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistics, chuyển đổi năng lượng xanh…

Cùng chuyên mục

Đọc thêm