Các phương pháp điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn người bệnh, nhất là trẻ em. Trẻ còn có thể buồn nôn và nôn, khô miệng, thay đổi về mùi vị, khó nuốt, viêm loét niêm mạc miệng... Lâu dần trẻ không nạp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng.
BS.CKII Nguyễn Đức Luân, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết trẻ mắc ung thư có khả năng cao suy dinh dưỡng, sụt cân, ảnh hưởng đến phát triển thể chất về sau. Phụ huynh có thể xem xét bổ sung đồ uống chứa protein hoặc vitamin trong trường hợp trẻ chán ăn, bỏ ăn song cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Để trẻ hấp thu nhiều chất dinh dưỡng hơn trong bữa ăn hàng ngày, cha mẹ chia nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ba bữa ăn chính. Thực đơn nên ưu tiên thực phẩm, đồ uống có hàm lượng protein và calo cao như bơ đậu phộng, bánh quy, phô mai, bánh pudding, ngũ cốc tăng cường dinh dưỡng, sữa nguyên chất.
Người lớn có thể mời bạn bè của trẻ đến ăn cùng để tạo không khí vui vẻ, giúp con ăn nhiều hơn. Trẻ nên hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, tránh uống chất lỏng trong bữa ăn vì có thể nhanh no, ăn ít hơn. Thay vào đó, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước trong ngày, sau khi dùng bữa. Khuyến khích trẻ hoạt động thể chất và vui chơi cũng giúp tăng cảm giác thèm ăn.

Các bác sĩ Ung bướu thảo luận về phim chụp cắt lớp vi tính của một ca bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Nếu trẻ gặp khó khăn khi nuốt, bác sĩ có thể đề xuất nuôi ăn qua ống sonde. Ống nuôi ăn được sử dụng để cung cấp dinh dưỡng dạng lỏng với lượng phù hợp cho trẻ hoặc bổ sung nước và thuốc cho trẻ. Có nhiều loại ống nuôi ăn khác nhau. Nếu cần cho bé ăn trong thời gian ngắn, bác sĩ có thể đặt ống thông qua mũi vào dạ dày hoặc ruột non. Trường hợp phải nuôi ăn trong thời gian dài hơn, có thể phải phẫu thuật để đặt ống nuôi ăn qua da bụng vào dạ dày (ống thông dạ dày hay ống G) hoặc ruột non (ống thông hỗng tràng hay ống J). Khi dạ dày và ruột của trẻ không hoạt động bình thường, khó đặt ống nuôi ăn có thể được bổ sung dinh dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch, gọi là dinh dưỡng ngoài đường tiêu hóa.
Sau khi quá trình điều trị ung thư hoàn tất, hầu hết các vấn đề về ăn uống biến mất. Khi đó, cha mẹ nên khuyến khích con duy trì thói quen ăn uống tốt để giữ sức khỏe. Chế độ ăn uống lành mạnh giúp con phục hồi nhanh, nhiều năng lượng và sớm trở lại cuộc sống bình thường. Hơn nữa, chế độ ăn lành mạnh cũng giúp trẻ ngăn ngừa bệnh tim, tiểu đường và các bệnh mạn tính khác.
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |