Dinh dưỡng

Nguy cơ nhiễm trùng máu do nặn mụn

Tóm tắt:
  • Vi khuẩn có thể xâm nhập cơ thể qua vết nặn mụn, gây nhiễm trùng máu hoặc viêm màng não.
  • Nhiễm trùng huyết là tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào máu, gây viêm toàn cơ thể.
  • Nặn mụn không vệ sinh tạo ổ vi khuẩn, đặc biệt ở vùng "tam giác" trên mặt.
  • Nặn mụn sai cách làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhất là đối với người có làn da nhạy cảm.
  • Để phòng ngừa, nên rửa tay thường xuyên, không tự nặn mụn và sát trùng vết thương.

Nhiễm trùng huyết là tình trạng vi khuẩn, độc tố từ một ổ nhiễm trùng nào đó xâm nhập vào máu, gây ra phản ứng viêm toàn cơ thể. BS.CKII Lê Thị Mỹ Châu, Trưởng Đơn vị Bệnh nhiễm, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đây là biến chứng ít gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Nếu không được xử lý kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, tử vong.

Mụn hình thành khi lỗ chân lông bị bít tắc bởi bã nhờn, tế bào da chết và vi khuẩn. Theo bác sĩ Châu, tự nặn mụn không đảm bảo vệ sinh có thể khiến các vết nặn trở thành ổ vi khuẩn gây viêm nhiễm. Trong đó, vùng "tam giác" trên mặt gồm từ đỉnh mũi đến hai khóe miệng là khu vực nguy cơ cao nhất. Lý do là hệ thống tĩnh mạch tại đây không có van ngăn nên vi khuẩn dễ dàng di chuyển theo dòng máu.

Nặn mụn bằng tay bẩn hoặc dụng cụ không khử trùng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập sâu hơn vào da, phá vỡ cấu trúc lớp biểu bì, lan xuống lớp hạ bì, kích thích tình trạng viêm thêm nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, vi khuẩn có thể xâm nhập vào mạch máu và gây nhiễm trùng toàn thân hoặc lên đến não gây viêm màng não.

Bác sĩ Da liễu - Thẩm mỹ Da, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 khám mụn cho một người bệnh. Ảnh: Phòng khám cung cấp

Bác sĩ Da liễu - Thẩm mỹ Da, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 khám mụn cho một người bệnh. Ảnh: Phòng khám cung cấp

Nặn mụn, cào, gãi không đúng cách cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhất là ở người có làn da mỏng, nhạy cảm hoặc hệ miễn dịch suy yếu. Nếu mụn sưng to, đau nhức hoặc có dấu hiệu toàn thân như sốt, người bệnh cần nhanh chóng đến bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và điều trị, thay vì tự xử lý tại nhà.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiễm trùng huyết là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Năm 2020, toàn cầu có 48,9 triệu ca nhiễm trùng huyết và 11 triệu ca tử vong liên quan, chiếm 20% tổng số ca tử vong chung. Bác sĩ Châu cho hay nhiễm trùng huyết còn có thể xuất phát từ nhiều nguồn khác như vết thương hở, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhóm có nguy cơ cao mắc nhiễm trùng huyết gồm trẻ sơ sinh, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, bệnh nhân tiểu đường, ung thư hoặc người có vết thương hở không được xử lý đúng cách. Ở người có hệ miễn dịch suy yếu, khả năng ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập máu giảm, làm tăng nguy cơ biến chứng.

Bác sĩ chỉ định kháng sinh phổ rộng cho người bệnh, sau đó điều chỉnh dựa trên kết quả cấy máu và kháng sinh đồ. Các biện pháp hỗ trợ khác có thể được áp dụng như truyền dịch, cung cấp dinh dưỡng tĩnh mạch và thuốc giảm đau hạ sốt giúp bệnh nhân ổn định nhanh hơn.

Để phòng tránh nhiễm trùng huyết, bác sĩ Châu khuyến cáo mọi người rửa tay thường xuyên, tránh dùng tay trần chạm vào mặt, không tự nặn mụn. Nếu có vết thương, cần sát trùng bằng nước muối sinh lý và che chắn cẩn thận để tránh nhiễm khuẩn. Tiêm phòng đúng lịch các bệnh phòng ngừa liên quan như cúm, viêm phổi... giúp giảm nguy cơ biến chứng.

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - chăm sóc da tại đây để bác sĩ giải đáp

Các tin khác

Thông tin mới về gió mùa đông bắc

Sáng 13/4, không khí lạnh đã ảnh hưởng tới hầu hết Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một phần Trung Trung Bộ, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo hôm nay sẽ là ngày rét nhất trong đợt gió mùa đông bắc này. Mưa lớn giảm dần ở Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.