Vốn hóa chứng khoán tăng thêm 29 tỷ USD năm 2023, tương đương 58% GDP
Trong một năm nền kinh tế vĩ mô cũng như doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, sức hồi phục chậm, đồng thời chịu tác động của nhiều yếu tố bên ngoài, thị trường chứng khoán được xem như điểm sáng.
VN-Index khép lại năm nay ở 1.129,93 điểm, tăng 12,2% so với năm ngoái. Tỷ lệ này còn cách xa mức giảm 34% của năm trước đó nhưng phần nào đưa Việt Nam trở thành điểm tích cực trong khu vực. Nhiều thị trường giảm điểm so với thời điểm cuối năm 2022 như Thái Lan (-15,15%), Hồng Kông (-13,94%), Trung Quốc (CSI300, -11,4%), Malaysia (-2,73%), Philippine (-1,77%). Mức tăng của chứng khoán Việt Nam gấp đôi Indonesia.
Có thời điểm trong năm VN-Index vượt ngưỡng 1.250 điểm, tương ứng mức tăng 25% kể từ đầu năm và lọt nhóm thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất toàn cầu. Tuy nhiên, áp lực rút ròng từ khối ngoại cộng với việc nhiều câu chuyện kỳ vọng qua đi khiến thị trường thu hẹp đà tăng về cuối năm.
Thị trường chứng khoán cũng không còn phản ứng tích cực với các tin giảm lãi suất như nửa đầu năm. Ba tháng cuối năm, lãi suất huy động giảm xuống vùng đáy lịch sử và đầu ra cũng được điều chỉnh, nhưng sức hấp thụ tiền của nền kinh tế yếu.
Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/12 là 11,09%, thấp hơn mức tăng 12,87% cùng kỳ năm 2022. Dường như “tiền rẻ” không còn chất xúc tác cho xu hướng đi lên của chứng khoán ở thời điểm này.
Những kỳ vọng như sự hồi phục của doanh nghiệp, đưa vào vận hành hệ thống KRX, giải quyết tiêu chí vướng mắc để được nâng hạng lên thị trường mới nổi đều bỏ ngỏ trong năm 2023. Đây có thể là nguyên nhân khiến thị trường chịu áp lực bán gia tăng về cuối năm.
Với một năm đan xen những cơ hội và thách thức như năm 2023, chứng khoán phản ứng theo câu chuyện, dòng tiền hơn là yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Dòng tiền yếu hơn giai đoạn trước đó khiến cổ phiếu vốn hóa lớn không phải là tâm điểm.
Thêm vào đó, ngoài VNG, thị trường chứng khoán Việt Nam không đón nhiều cái tên mới nổi bật trong năm 2023. Hệ quả là tổng quy mô vốn hóa của thị trường tăng 13,48%, tương đương 704.963 tỷ đồng (29 tỷ USD), chênh lệch không đáng kể so với hiệu suất 12,2% của VN-Index.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam là 5.936.591 tỷ đồng (244,6 tỷ USD), tương đương 58% GDP. Với tỷ lệ hiện tại thì mục tiêu quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 là thách thức không nhỏ.
Thống kê năm 2023, giá trị vốn hóa sàn HOSE tăng thêm 538.546 tỷ đồng, đạt hơn 4.556.471 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 13,4%. Giá trị sàn HNX tăng thêm 72.145 tỷ đồng, lên 325.990 tỷ đồng.
Tổng giá trị của 862 công ty đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM tính đến cuối năm 2023 là 1.054.130 tỷ đồng, cao hơn 94.271 tỷ đồng so với dữ liệu ghi nhận tại ngày 31/12/2022.
Việt Nam có 49 công ty giá trị tỷ USD trên sàn
Tại ngày 31/12/2023, thị trường chứng khoán Việt Nam có 49 công ty niêm yết có giá trị vốn hóa đạt trên 1 tỷ USD, hai đơn vị quy mô hơn 10 tỷ USD. Tổng quy mô vốn hóa của nhóm tỷ USD là gần 4 triệu tỷ USD, chiếm 67,3% toàn thị trường. Ngành tài chính ngân hàng và bất động sản vẫn chiếm ưu thế, lần lượt là 20 và 8 tổ chức. 6 cái tên khác thuộc ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ.
Trong câu lạc bộ giá trị tỷ USD, 42 đại diện đến từ HOSE trong khi UPCoM có 7 đơn vị, không có tổ chức nào trên HNX góp mặt. Thống kê cho thấy doanh nghiệp trên HNX đều có giá trị vốn hóa dưới 20.000 tỷ đồng, dẫn đầu là PVS (18.163 tỷ đồng), Tasco (18.028 tỷ đồng) và Idico (17.193 tỷ đồng).
Top 10 doanh nghiệp lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam có 9 công ty niêm yết HOSE và một đơn vị giao dịch trên thị trường UPCoM (ACV). Thứ hạng và những cái tên trong danh sách này có sự thay đổi đáng kể. 6/10 doanh nghiệp trong nhóm này giảm giá trị so với thời điểm cuối năm 2022. Mức giảm lớn nhất là ACV (44.628 tỷ đồng) và Vingroup (35.088 tỷ đồng).
Trong năm cổ phiếu VCB khởi sắc, Vietcombank tiếp tục giữ vị trí quán quân trên thị trường với quy mô gần 18,5 tỷ USD. Một ngân hàng khác là BIDV vươn lên vị trí á quân với giá trị gần 10,2 tỷ USD. Hai ngân hàng này đồng thời là hai đơn vị giá trị trên 10 tỷ USD.
Một nhà băng khác cũng tăng trưởng mạnh vốn hóa là VPBank. Khi cổ phiếu VPB tăng giá 12,5%, giá trị vốn hóa ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam này tăng thêm 32.165 tỷ đồng (26,8%) lên 152.331 tỷ đồng nhờ thương vụ phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho đối tác Nhật Bản – SMBC.
2023 được xem như thành công với tỷ phú giàu nhất Việt Nam – ông Phạm Nhật Vượng khi đưa cổ phiếu của hãng xe ô tô VinFast giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ. Nhưng trong nước, tổng giá trị của ba công ty là Vinhomes, Vingroup và Vincom Retail giảm tổng cộng 61.490 tỷ đồng. Đồng thời, thứ hạng của Vinhomes và Vingroup tụt xuống thứ 3 và 5.
Vị trí thứ 5 của Vingroup đang bị đe dọa bởi Hòa Phát khi giá trị nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam tăng thêm 57.857 tỷ đồng trong năm 2023, đạt 162.523 tỷ đồng.
Song, với khối tài sản như hiện nay, ông Vượng vẫn là người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cùng với ông Vượng, vốn hóa của một doanh nghiệp khác thuộc sở hữu của tỷ phú đô la khác của Việt Nam là ông Nguyễn Đăng Quang cũng ghi nhận tài sản sụt giảm trong năm 2023. Giá trị vốn hóa của Masan Group giảm hơn 36.500 tỷ đồng, còn 95.867 tỷ đồng, rời top 10 doanh nghiệp giá trị nhất sàn HOSE.
Thay vào đó là FPT khi giá cổ phiếu của tập đoàn công nghệ này thiết lập đỉnh lịch sử mới.
Ngoài FPT, những doanh nghiệp ngành chứng khoán (VNDirect), bất động sản (Khang Điền, Kinh Bắc, Viglacera), hóa chất (Đức Giang) là điểm sáng trong năm nay khi trở lại câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD. Chiều ngược lại, REE, Sunshine Homes rời nhóm.