Thời sự

Nợ công năm 2023 khoảng 3,8 triệu tỷ đồng

Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết quản lý nợ công là một điểm sáng trong điều hành chính sách tài khóa thời gian qua. Quy mô nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP (khoảng 3,8 triệu tỷ đồng), thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra.

 Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Tài chính).

Nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với trần 50%. Mức dư nợ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình năm 2023 của các quốc gia có mức xếp hạng tín nhiệm BB là 52,8% GDP và BBB là 54,9% GDP, trong khi mức tín nhiệm của Việt Nam còn thấp hơn 1 bậc so với mức tín nhiệm BBB.  

Cơ cấu nợ tích cực, dư nợ trong nước tăng lên, chiếm khoảng 71% dư nợ Chính phủ góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Nợ trong nước chủ yếu là TPCP có kỳ hạn phát hành dài, giảm thiểu rủi ro vay đảo nợ.

Kỳ hạn phát hành bình quân TPCP dự kiến năm 2023 khoảng 12,4-12,5 năm, đảm bảo mục tiêu từ 9-11 năm theo Nghị quyết của Quốc hội. Lãi suất phát hành bình quân cả danh mục TPCP dự kiến năm 2023 khoảng 3,3%/năm, giảm 0,18 điểm phần trăm so với mức năm 2022 trong bối cảnh lãi suất toàn cầu vẫn duy trì xu hướng tăng.

Nợ nước ngoài giảm dần trong cơ cấu vay của Chính phủ. Danh mục nợ nước ngoài hiện hành chủ yếu vẫn là các khoản vay kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi; góp phần tăng tính bền vững nợ trước biến động tỷ giá của các ngoại tệ mạnh trên toàn cầu.

Việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch nâng hạng Việt Nam từ mức BB lên mức BB+ vào tháng 12/2023 sau khi tổ chức Moody’s và S&P nâng hạng Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 và BB lên BB+ trong năm 2022 đều có dấu ấn từ kết quả củng cố tài khoá và kiểm soát nợ công.

Theo Bộ trưởng, với mức nợ thấp so với trần như hiện nay và cơ cấu nợ thuận lợi, Việt Nam có nhiều dư địa để triển khai vay vốn cho những dự án lớn là động lực của nền kinh tế, tạo ra hiệu quả nhanh và bền vững nhất.

Ngoài ra, bội chi NSNN năm 2023 dưới 4% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 4,42% Quốc hội cho phép, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố dư địa chính sách tài khóa.  

Ước thu NSNN năm 2023 đạt 1,7 triệu tỷ đồng, vượt 5,4% so dự toán. Ngành Tài chính sẽ phấn đấu hết năm 2023 vượt thu 6% so với dự toán. 

Về chi NSNN, 35% tổng chi ngân sách nhà nước, tương đương hơn 760.000 tỷ đồng chi cho đầu tư công, gấp 1,5 lần so với năm 2022.   

Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, loạt chính sách miễn giảm, giãn hoãn thuế phí đã được ban hành với quy mô khoảng 200.000 tỷ đồng.

Bộ Tài chính dự báo năm 2024 sẽ có nhiều thuận lợi, thách thức đan xen. Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra là rất lớn, với dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng; dự toán chi NSNN là 2,1 triệu tỷ đông; bội chi NSNN là 399.400 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP. 

Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu vẫn làổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bên cạnh theo dõi, dự báo đúng tình hình kinh tế trong và ngoài nước, ngành tài chính cho biết sẽ tiếp tục tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thu ngân sách theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, cơ quan thuế cũng sẽ nghiên cứu và đưa ra thêm các giải pháp quản lý nguồn thu thuế trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử, bán hàng trên các trang mạng cá nhân.           

Cùng chuyên mục

Đọc thêm