Công nghệ

Trào lưu đeo quạt mini lên người

Thanh Thảo (Vĩnh Phúc) biết đến loại quạt này sau khi thấy trên mạng xã hội liên tục quảng cáo và được bạn bè rủ mua chung, dù không thực sự có nhu cầu. Chiếc quạt có giá gần 90 nghìn đồng, có thể đeo cổ như tai nghe trùm đầu. Khi bật, luồng gió từ quạt được phân tán qua khe trên thân quạt, thổi lên phần cổ và đầu. "Quạt tích điện có thể bật ở bất cứ đâu, không cần cầm tay nên thuận tiện, không vướng víu", Thảo nói.

Tuy nhiên, cô thừa nhận chỉ sử dụng khi không còn lựa chọn nào khác. Sức gió yếu khiến quạt gần như không có tác dụng mỗi khi ra ngoài đường trời nắng.

Có sở thích đi dã ngoại, Đình Hùng cùng nhóm bạn cũng sắm đủ loại quạt đeo cổ, quạt gắn mũ, quạt để bàn để sử dụng ở nơi không có điện. Anh đánh giá cao sự tiện lợi của thiết bị khi giúp làm mát "rảnh tay", nhưng quạt chỉ hiệu quả thời gian đầu, sau đó thậm chí gây bất tiện.

"Quạt gắn trên mũ giúp gió thổi thẳng vào mặt, có thể điều chỉnh được cả hướng gió. Ban đầu rất thích ví chúng độc lạ, nhưng khi sử dụng khá ồn. Lúc quạt hỏng cũng phải bỏ luôn mũ", Hùng nói.

Một chiếc mũ được gắn quạt mini. Ảnh: Aliexpress

Một chiếc mũ được gắn quạt mini. Ảnh: Aliexpress

Hai tháng gần đây, quạt mini trở thành món đồ được nhiều người tìm mua trên mạng. Theo khảo sát ngày 3/6 trên VnExpress, 36% người tham gia nói đang sử dụng, gần 20% đang tìm hiểu về quạt mini.

Thống kê của Google Trends cho thấy từ khóa "quạt đeo cổ" được tìm nhiều từ tháng 4 và cao nhất trong tháng 5. Trên các nền tảng thương mại điện tử, có một số gian hàng bán được cả chục nghìn quạt đeo cổ, mũ gắn quạt, áo gắn quạt.

Cơ chế chung của sản phẩm là sử dụng 1-2 chiếc quạt nhỏ, kèm pin và gắn lên các thiết bị có thể đeo trên người, giúp người dùng làm mát theo từng vùng mà không cần cầm trên tay. Sản phẩm có dung lượng pin 2.000-3.000 mAh, cho thời gian sử dụng từ một đến ba giờ và mất khoảng 1-2 giờ để sạc đầy.

Quạt mini đeo cổ thường được bán từ 60.000 đến hơn 100.000 đồng, được thiết kế giống tai nghe, hoặc là quạt bình thường kèm dây đeo. Mũ gắn quạt có giá 100-150 nghìn đồng, khoét phần lưỡi trai để đặt quạt. Trong khi đó, áo gắn quạt là từ vài trăm nghìn đồng đến hơn một triệu đồng.

Bên cạnh sự tiện lợi, các mẫu quạt này cũng tồn tại nhiều vấn đề, như gió yếu, độ ồn cao, thời lượng pin thấp và kém bền.

"Gió thổi không bay nổi sợi tóc", một người bình luận trên gian hàng thương mại điện tử của một mẫu quạt đeo cổ giá 60.000 đồng. Đây cũng là nhận xét của nhiều người sau khi mua quạt này, khác xa với những gì được quảng cáo. Ngoài ra, quạt gắn trên đầu hoặc cổ thường bị đánh giá gây ồn, phần pin nóng nhanh khi sử dụng ngoài trời nắng.

Theo Đức Tiến, chủ một cửa hàng đồ gia dụng tại Cầu Giấy (Hà Nội), quạt tích điện mini đã có ở Việt Nam từ lâu, nhưng khoảng một năm gần đây, các nhà sản xuất sáng tạo thêm sản phẩm đeo lên người, giúp người dùng rảnh tay trong quá trình sử dụng. Ý tưởng này có thể xuất phát từ thiết bị bảo hộ hay mũ bảo hiểm cao cấp, được trang bị quạt gió để làm mát và thoáng khí. Đa số quạt mini trên thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc và của những thương hiệu ít tên tuổi.

"Do giá rẻ và trọng lượng nhẹ để đeo, loại quạt này sử dụng pin nhỏ nên công suất cũng nhỏ theo. Vì vậy không thể kỳ vọng việc vừa tiện lợi, vừa đáp ứng nhu cầu mát", anh Tiến đánh giá.

Anh cũng khuyên người dùng cân nhắc khi dùng bởi sản phẩm đeo lên người, tiềm ẩn rủi ro nếu chất lượng hoàn thiện kém. Người dùng nên chọn các mẫu quạt mini cầm tay của một số hãng có tên tuổi, giúp yên tâm hơn khi sử dụng và có thể làm mát bất cứ vị trí nào, thay vì cố định như các loại quạt đeo nói trên.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm