Tech in Asia dẫn nguồn tin cho hay Kevin Tùng Nguyễn - một nhà khởi nghiệp công nghệ nổi tiếng ở Việt Nam đã tạm dừng hai dự án là JobHopin và Skola. Theo tờ báo, Tùng đang tranh chấp với vợ về quyền sở hữu Skola - nền tảng Edtech được đăng ký ở cả Việt Nam và Singapore.
Ngoài ra, theo Tech in Asia, ông Tùng còn đang bị cáo buộc liên quan đến tài sản tại Skola. Tuy nhiên, vị founder này đã phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào.
Tùng được vinh danh trong danh sách 30 Under 30 của Forbes châu Á năm 2019. Năm 2017, Tùng được biết đến với vai trò là nhà sáng lập JobHopin - sử dụng AI và máy học để tự động hóa việc tìm kiếm việc làm và tuyển dụng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Tech in Asia Tùng xác nhận JobHopin đã không huy động được vốn vòng trong Series B trị giá 15,6 triệu USD vào năm ngoái. Anh nói thêm rằng phần lớn nhân viên với gần 200 người vào thời điểm đỉnh cao - đã nghỉ việc hoặc bị sa thải.
Theo tìm hiểu của Tech in Asia, vợ Tùng là cổ đông chính của Skola, dựa trên hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Singapore. Startup này bắt đầu hoạt động từ tháng 5/2022 với tên gọi là Skolana - một sáng kiến Web3 nhằm thưởng cho người học, đặc biệt là học sinh trung học, bằng tiền điện tử.
Trên hồ sơ Linkedin, Skola Academy tự quảng cáo là một trung tâm đào tạo công nghệ cho sinh viên trẻ, với mục tiêu biến Việt Nam thành một cường quốc công nghệ trong khu vực. Đầu năm nay, Skola đã tuyển dụng một giám đốc điều hành cấp cao tuy nhiên người này đã bị sa thải do thành tích kém. Hiện Tech in Asia chưa thể liên lạc với vị giám đốc để xác minh.
Tùng cáo buộc, sau khi vị giám đốc điều hành nói trên bị sa thải đã tìm cách truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng của Skola tại Việt Nam. Để bảo vệ tài sản công ty, Tùng cho biết đã chuyển 2 tỷ đồng vào vào tài khoản cá nhân.
Tùng nói bản thân có toàn quyền xử lý mọi vấn đề liên quan đến Skola tuy nhiên đã bị gạt ra khỏi vị trí cổ đông sáng lập vào tháng 4 năm nay.
Một nhà đầu tư của Skola đã xác nhận rằng các nhà đầu tư biết về tranh chấp quyền sở hữu và cáo buộc tham ô tại Skola. Nguồn tin nói nhà đầu tư đang chờ đợi việc giải quyết giữa Tùng và vợ để xác định ai sẽ tiếp tục điều hành doanh nghiệp.
Trong khi đó, trong một email khác, Tùng cho biết cảnh sát đang giữ số tiền tranh chấp cho đến khi cả hai bên giải quyết được mâu thuẫn.
JobHopin đạt được thành công nhất định vào năm 2020 khi huy động được 3 triệu USD vòng Series A từ các nhà đầu tư như KK Fund, Mynavi Corporation và Edulab Capital Partners.
Thời điểm đó, JobHopin cho biết họ có kho dữ liệu gồm 1,4 triệu ứng viên việc làm từ 2.000 khách hàng doanh nghiệp tại Việt Nam. Nền tảng kết nối ứng dụng trí tuệ nhân tạo có tên là Bunny, có khả năng "quét" hồ sơ của ứng viên trên quy mô lớn.
Một năm sau, startup này đã ký được thỏa thuận hợp tác chiến lược với SAP Việt Nam. Tuy nhiên, theo tài liệu của JobHopin tại Singapore cho thấy công ty đã thua lỗ trong hai năm qua. Lỗ ròng sau thuế lên tới 1,78 triệu USD vào năm 2023, tăng so với mức 1,47 triệu USD vào năm 2022.
Tùng thừa nhận rằng startup của mình đã bị ảnh hưởng đáng kể khi nhiều công ty công nghệ, bao gồm cả những khách hàng lớn nhất của họ là RedDoorz và Traveloka, bắt đầu đóng băng tuyển dụng vào đầu năm 2023.
Về lý do tại sao JobHopin không thể huy động được 15,6 triệu USD vòng Series B, Tùng giải thích rằng do các vấn đề về quy định, công ty đã mất hai năm để đảm bảo khoản tranche tiên trị giá 5,6 triệu USD thay vì 6 tháng theo kế hoạch. Sự chậm trễ này đã ảnh hưởng đến định giá của JobHopin trước vòng gọi vốn và khả năng huy động được 10 triệu USD còn lại.
Bên cạnh đó, cũng có những nghi vấn xung quanh khả năng trí tuệ nhân tạo của JobHopin. Chẳng hạn, khả năng phân tích CV hàng loạt của Bunny giúp giảm bớt nhu cầu tuyển dụng của các nhà tuyển dụng.
Khách hàng - thường là các nhà quản lý nhân sự - có thể đăng ký nền tảng và mua tín dụng cho các dịch vụ như tiếp cận với những ứng viên tài năng hàng đầu và quản lý toàn bộ quá trình tuyển dụng. JobHopin chỉ trừ tín dụng khi người tìm việc chấp nhận lời đề nghị.
Tuy nhiên, một cựu nhân viên cấp cao tiết lộ rằng nhân sự của JobHopin vẫn đang tự mình tìm kiếm nhân tài thông qua Linkedin và các nền tảng khác ở phía sau. “Bạn không thể chỉ quét CV và kỳ vọng cung cấp dịch vụ chất lượng cho khách hàng”, nguồn tin nhấn mạnh. “Điều quan trọng là phải có những người có thể gọi điện và kiểm tra lý lịch của các ứng viên này”.
Mặc dù Tùng đồng ý rằng JobHopin không thể đạt được mức độ tự động hóa hoàn toàn, nhưng Tùng bác bỏ những cáo buộc cho rằng đó không phải là một nền tảng AI hoàn chỉnh. Tùng nói thêm, mô hình AI có khả năng phân tích tất cả dữ liệu phi cấu trúc được thu thập từ các nền tảng khác nhau về người nộp đơn, mô tả công việc hoặc công ty.
Do thị trường tuyển dụng ngày càng đông đúc, Tùng muốn JobHopin chuyển mình từ một "thợ săn đầu người hỗ trợ bởi AI" sang tập trung kinh doanh “nền tảng điều khiển AI" cho các khách hàng khác. Cách tiếp cận này sẽ cho phép khách hàng dễ dàng "biến các trang web nghề nghiệp của họ thành cổng thông tin việc làm chức năng".
Tuy nhiên, theo các nguồn tin, chiến lược này không tạo ra đủ doanh thu. Kết quả, JobHopin lại chuyển hướng sang ikiHop vào năm 2022. Tên ikiHop được lấy cảm hứng từ từ tiếng Nhật "ikigai", có nghĩa là "lý do tồn tại".
IkiHop được quảng cáo như một nền tảng sử dụng GPT-4 để đào tạo và thưởng cho nhân viên thông qua các câu đố tương tác và trải nghiệm đào tạo được cá nhân hóa. Tech in Asia đã liên hệ với các công ty được liệt kê là khách hàng trên trang web của ikiHop gồm FPT, VNG và RedDoorz. Tuy nhiên các doanh nghiệp này tuyên bố rằng họ không sử dụng sản phẩm mới nhất của JobHopin.
Đáp lại, Tùng đưa ra ảnh chụp màn hình email cho thấy VNG Cloud đã ký một thỏa thuận trị giá 3.600 USD với ikiHop cho một sự kiện vào năm 2023.
Sau tháng 6, dự kiến JobHopin chỉ còn 8 nhân viên. Bất chấp tất cả những khó khăn này, Tùng vẫn lạc quan về việc xoay chuyển tình thế cho cả JobHopin và Skola ngay cả khi phải "bơm thêm tiền túi hoặc khởi động lại dự án”. Tùng cũng hy vọng sẽ "lấy lại quyền kiểm soát Skola".