Doanh nhân

Khi các "cá mập" Việt vướng lao lý

Shark Tank Việt Nam (Thương vụ Bạc tỷ) đã trải qua 6 mùa và vẫn giữ vững vị trí là chương trình thực tế về kinh doanh khởi nghiệp thu hút sự quan tâm lớn ở Việt Nam. Chương trình này mang đến hình ảnh các buổi thuyết trình gọi vốn giữa các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư, giúp công chúng hiểu rõ hơn về môi trường kinh doanh khởi nghiệp.

Bên cạnh việc giúp các doanh nhân khởi nghiệp quảng bá hình ảnh trên truyền hình quốc gia và tăng độ nổi tiếng, Shark Tank Việt Nam cũng đã gặp phải nhiều lùm xùm từ chính các nhà đầu tư tham gia chương trình. Năm 2024, dư luận lần lượt chứng kiến nhiều nhà đầu tư từng tham dự ghế nóng của Shark Tank Việt Nam lần lượt dính chàm.

Shark Thủy bị cáo buộc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Ông Nguyễn Ngọc Thuỷ. (Ảnh: VTV).

 

Ngày 26/3, Bộ Công an thông tin ông Nguyễn Ngọc Thuỷ - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn giáo dục Egroup, CTCP Đầu tư và Phân phối Egame đã bị bắt tạm giam từ 25/3 để phục vụ điều tra. Ông Thuỷ bị nhà chức trách cáo buộc tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Động thái này được đưa ra sau khi Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu giải quyết đơn của nhiều nhà đầu tư tố cáo ông Nguyễn Ngọc Thuỷ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần tại Egroup.

Ngoài cáo buộc này, năm 2023, Công an TP HCM cũng vào cuộc xác minh đơn tố cáo của phụ huynh cho rằng CTCP Anh ngữ Apax Leaders "chiếm đoạt tiền học phí”. Phụ huynh cho biết phải chi hàng trăm triệu đồng để mua khoá học tiếng anh nhưng không được học vì trung tâm đóng cửa, không được hoàn lại tiền.

Trước khi vướng lao lý, ông Thủy đã tham gia hai mùa Shark Tank Việt Nam với vai trò nhà đầu tư (Shark - cá mập) và đạt được 9 thương vụ thành công. Tuy nhiên, vào cuối năm 2022, chương trình xác nhận ông không còn là nhà đầu tư sau khi xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực về Apax English.

 

Thời điểm trước đại dịch, hoạt động kinh doanh cốt lõi của ông Thuỷ và hệ sinh thái xoay quanh phát triển các trung tâm tiếng Anh Apax English, Apax Leaders thuộc Apax Holdings.

Thời kỳ đỉnh cao, hệ thống này từng mở rộng hơn 120 trung tâm trên toàn quốc, trải rộng tại hơn 30 tỉnh thành với khoảng hơn 120.000 học viên theo học. Đây từng là chuỗi dạy tiếng Anh lớn nhất Việt Nam.

Apax Holdings từng vượt mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng năm 2018, sau đó tăng gấp đôi trong năm 2020. Tuy nhiên, hệ thống này đã sụp đổ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư tối 17/11 năm ngoái, ông Thuỷ kể lại sau khi dịch bệnh bùng phát, chi phí mặt bằng cao, trung tâm mới mở đầu tư mất nhiều chi phí và chưa lấp đầy học sinh đã khiến các cơ sở gặp nhiều khó khăn về tài chính.

Hoạt động chính bị đóng băng, tới năm 2022, Apax Holdings chứng kiến mức lỗ ròng kỷ lục trong lịch sử với âm 87 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2022, nợ phải trả của Apax Holdings là 3.076 tỷ đồng, trong đó tổng vay và nợ thuê tài chính là 1.915 tỷ đồng.

Đây cũng là giai đoạn Apax Holdings vướng vào các bê bối liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên... Hàng loạt phụ huynh đã đến các trung tâm Apax Leaders để khiếu nại, yêu cầu hoàn trả học phí với lý do trung tâm không thực hiện đúng cam kết. 

Shark Tam bị cáo buộc trốn thuế

 Ông Phạm Văn Tam. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Ông Phạm Văn Tam, nguyên Chủ tịch tập đoàn Asanzo, từng là cái tên được nhắc đến trên ghế nóng Shark Tank Việt Nam tại mùa ba, mới đây cũng gặp rắc rối pháp lý. Ngày 23/6, ông Tam và ông Phạm Xuân Tình, đại diện pháp luật kiêm Giám đốc tập đoàn Asanzo, bị Công an TP HCM khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về hành vi trốn thuế.

Cơ quan điều tra xác định, ông Tam chỉ đạo Tình ký các hợp đồng nguyên tắc với các công ty TNHH đầu tư thương mại Việt Tài, An Thiên, và Đầu tư xuất nhập khẩu Trần Thoàn nhưng không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán doanh thu bán hàng. CTCP Tập đoàn Asanzo đã sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế.

Hành vi này bị cáo buộc nhằm trốn tiền thuế hơn 15,7 tỷ đồng. Hồi tháng 10/2019, Cục Thuế TP HCM đã xử phạt và truy thu tổng cộng 68 tỷ đồng đối với Công ty Asanzo, bao gồm truy thu thuế kê khai thiếu và trốn thuế gần 40,6 tỷ đồng, và tiền chậm nộp thuế 1,6 tỷ đồng. Hồ sơ vụ việc cũng được chuyển cho công an điều tra dấu hiệu vi phạm hình sự.

Asanzo bị xử phạt với tình tiết tăng nặng do có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm nên mức phạt chính là 26,3 tỷ đồng. Trong đó, phạt về hành vi khai sai là 4,9 tỷ đồng, phạt 1,5 lần về hành vi không xuất hóa đơn là 6,3 tỷ đồng, và phạt 1,5 lần thuế tiêu thụ đặc biệt là gần 14,7 tỷ đồng. Năm 2019, Tập đoàn Asanzo của ông Tam từng vướng lùm xùm liên quan đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm