Doanh nghiệp

Tranh cãi vấn đề trốn thuế ở các chung cư

100% không xuất hóa đơn cho cư dân

Những ngày qua, thông tin Ban quản trị (BQT) chung cư Conic Đông Nam Á (H.Bình Chánh, TP.HCM) bị phạt hơn 119 tỉ đồng vì trốn thuế và không xuất hóa đơn cho cư dân trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi trên mạng và tại hầu hết các chung cư khác.

Khảo sát của PV Thanh Niên với nhiều cư dân tại chung cư The Sun Avenue (TP.Thủ Đức) cho thấy dù đã về sinh sống nhiều năm nhưng họ chỉ nhận được thông báo đóng phí từ ban quản lý (BQL) là Công ty Savills Việt Nam. Sau khi đóng phí, cư dân được gửi một phiếu xác nhận thanh toán. Tất cả đều được gửi qua hộp thư điện tử (email) và không nhận được bất cứ hóa đơn nào từ BQT cũng như từ BQL chung cư.

Anh Phan Đình Dân, chủ căn hộ S3 - 10 - 05, cho biết mỗi tháng căn hộ của anh phải đóng khoảng 2,4 - 2,5 triệu đồng tiền phí, bao gồm phí quản lý căn hộ, tiền nước, dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, phí đậu xe ô tô và xe máy. Trong đó, phí quản lý mỗi tháng hơn 844.000 đồng, tiền nước khoảng 600.000 đồng, dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải hơn 66.000 đồng, xe ô tô và xe máy là hơn 1,2 triệu đồng. Tiền điện hằng tháng cư dân sẽ đóng trực tiếp cho công ty điện lực. 

Điều đáng nói, có những thời điểm như năm 2023, 2024, trong thông báo phí, anh và các cư dân khác bị thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho tất cả các dịch vụ nói trên. Trong đó, phí quản lý chịu mức thuế 10%, nước sạch là 5%, dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải là 8% và phí đậu xe ô tô là 8%. Cũng có những giai đoạn lại không thu thuế này. Dù phải đóng thuế GTGT, nhưng 2.894 hộ dân tại đây không ai được xuất hóa đơn cho dịch vụ mình đang sử dụng và đã thanh toán tiền. 

"Mỗi tháng, tôi và các cư dân đều thanh toán tiền quản lý vào tài khoản ngân hàng của Công ty Savills Việt Nam là đơn vị được thuê quản lý tòa nhà. Nếu thanh toán không đúng hạn, nhà chúng tôi sẽ bị cắt điện, cắt nước. Chúng tôi chưa bao giờ được xuất hóa đơn cho các khoản tiền mình đã đóng dù có thời điểm chúng tôi bị thu thuế GTGT. Cư dân cũng đặt vấn đề liệu khi không xuất hóa đơn thì số tiền thuế nói trên sẽ đi đâu về đâu, có được nộp vào ngân sách nhà nước không hay BQL ăn hai đầu, vừa thu của cư dân vừa khấu trừ thuế với nhà nước?", anh Phan Đình Dân đặt vấn đề.

 - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng việc phạt Ban quản trị chung cư khi không xuất hóa đơn là không đúng đối tượng

ẢNH: ĐÌNH SƠN

Tương tự, cư dân tại chung cư Sunrise City (Q.7) cũng khẳng định chưa bao giờ nhận được hóa đơn các loại dịch vụ như phí quản lý, tiền nước, tiền gửi xe dù tháng nào cũng đóng "đều đều" cho BQL là Công ty CBRE Việt Nam. Đưa cho chúng tôi xem thông báo thu phí của căn hộ V5 - 0604, chị Nhung - một cư dân tại đây cho biết mỗi tháng căn hộ của chị phải thanh toán hơn 2 triệu đồng, trong đó phí quản lý là hơn 1,5 triệu đồng, phí giữ 3 chiếc xe máy là hơn 265.000 đồng và tiền nước sinh hoạt là hơn 100.000 đồng. Tại khu chung cư này có những năm BQL thu thuế GTGT cho các dịch vụ trên gồm 10% cho phí quản lý, 5% cho nước sạch, 8% cho dịch vụ giữ xe, dịch vụ thoát và xử lý nước thải 20%. Dù thu phí và thuế của cư dân nhưng BQT cũng như BQL chưa một lần nào xuất hóa đơn cho gia đình chị.

Bà Đỗ Thị Loan, một cư dân khác, phản ánh bà dọn về đây sống từ năm 2012 đến nay nhưng chưa bao giờ BQT và BQL xuất hóa đơn dịch vụ cho bà cũng như các cư dân, trong khi bà vẫn phải đóng thuế GTGT cho các dịch vụ mình sử dụng tại chung cư. Quá bức xúc, một số cư dân đã gửi đơn thư khiếu kiện khắp nơi nhưng đến nay chưa có đơn vị nào xử lý. "Sau vụ chung cư Conic Đông Nam Á bị phạt hơn 119 tỉ đồng, tôi mong rằng cơ quan thuế đi kiểm tra tất cả các chung cư, trong đó có chung cư Sunrise City về việc thu phí, thuế và không xuất hóa đơn cho cư dân", bà Đỗ Thị Loan kiến nghị.

Tại một số chung cư khác, khi được hỏi, tất cả người dân đều trả lời chưa bao giờ được xuất hóa đơn dù tháng nào cũng đóng phí quản lý, tiền nước, tiền giữ xe.

BQT có phải xuất hóa đơn, đóng thuế?

Sở dĩ BQT chung cư Conic Đông Nam Á bị phạt hơn 119 tỉ đồng vì theo cơ quan thuế, từ tháng 5.2022 - 10.2024, tổng doanh thu phát sinh là hơn 5,6 tỉ đồng, số tiền thuế phải nộp là hơn 453 triệu đồng. Trong đó, thuế GTGT là hơn 225 triệu đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 227 triệu đồng. BQT cũng không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho 242 căn hộ, với tổng số hóa đơn là 7.260 tờ.

Lãnh đạo một công ty bất động sản khẳng định: Gần như 100% các chung cư mà đại diện là BQT hiện nay không xuất hóa đơn cho cư dân. Vậy nên những ngày qua, sự kiện BQT chung cư Conic Đông Nam Á bị xử phạt hơn 119 tỉ đồng do không xuất hóa đơn đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ dư luận. Đây là một tình huống pháp lý khiến nhiều BQT và các đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư rất băn khoăn, đặc biệt khi xét đến tư cách pháp lý và chức năng tài chính của tổ chức này theo luật. BQT không có chức năng kinh doanh và là một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không cần xuất hóa đơn cho mục đích kinh doanh như những doanh nghiệp thông thường khác. 

Theo luật, việc quản lý vận hành nhà chung cư bắt buộc phải được thực hiện bởi một công ty có chức năng quản lý vận hành nhà chung cư (gọi là BQL). Như vậy, toàn bộ quá trình quản lý vận hành nhà chung cư, bao gồm cả việc thu các loại phí như phí quản lý, phí giữ xe, tiền điện, nước… đều phải do BQL thực hiện. Đồng thời, kinh phí quản lý vận hành tại chung cư cũng phải do đơn vị quản lý vận hành đảm nhận quản lý. Do đó, việc xuất các loại hóa đơn liên quan đến việc quản lý vận hành cũng phải do BQL thực hiện. BQT chung cư chỉ thực hiện quản lý kinh phí quỹ bảo trì và đại diện cư dân thực hiện các công tác bảo trì nhà chung cư.

Hơn nữa, cho dù thực tế BQT có đứng ra thực hiện các công việc thu, chi tại chung cư thì về bản chất hoạt động thu, chi này cũng chỉ là hoạt động thu hộ. Bởi BQT là đại diện cư dân, không phải là một tổ chức độc lập với cư dân, chủ sở hữu của chung cư, bản chất của BQT chính là cư dân, là người sử dụng đầu cuối của dịch vụ. Do đó BQT không thể tự cung cấp dịch vụ và xuất hóa đơn cho chính mình. Theo vị tổng giám đốc công ty bất động sản nói trên, nếu quan niệm BQT như doanh nghiệp và phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp nữa thì e rằng bất hợp lý, khác nào cư dân phải bỏ thêm tiền đóng thuế cho nhà nước (ngoài tiền thuế VAT) đối với các khoản do mình đóng góp để chi phục vụ đời sống, sinh hoạt của mình tại chung cư.

Cơ quan chức năng xử phạt hành chính với số tiền lớn như vậy thì tiền phạt sẽ lấy từ đâu, nếu không phải từ tiền túi của cá nhân các thành viên BQT thì chắc chắn cũng phải do toàn bộ cư dân đóng góp thêm. Nhưng việc này sẽ bất khả thi vì việc triệu tập một hội nghị để yêu cầu người dân nộp tiền đóng phạt chắc chắn sẽ gặp phản đối và không có hồi kết. Còn phí quản lý cũng chỉ đủ để chi cho hoạt động vận hành hằng ngày. Nếu cưỡng chế quỹ này thì hoạt động chung cư sẽ bị rối loạn ngay lập tức, các dịch vụ điện, nước, an ninh, vệ sinh, môi trường, thu gom rác sẽ bị nhà cung cấp cắt. Còn nếu cưỡng chế quỹ bảo trì thì sẽ không có nguồn để duy tu, sửa chữa bảo trì chung cư, việc này sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của hàng trăm hộ cư dân.

Lãnh đạo một công ty bất động sản

Các tin khác

Vụ ô tô tông liên hoàn 6 xe máy ở Hà Nội: Tài xế có được rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn?

Hành vi rời khỏi hiện trường sau tai nạn nếu nhằm trốn tránh trách nhiệm có thể bị xem xét là tình tiết tăng nặng. Vấn đề này cần được xử lý nghiêm minh để bảo đảm an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông, hành vi bỏ trốn sau tai nạn để trốn tránh trách nhiệm là hành vi vi phạm pháp luật.

Bột sắn dây có công dụng gì?

Ngày hè nắng nóng, cơ thể thường mệt mỏi, nhiệt tích tụ khiến con người dễ nổi mụn nhọt, mất nước, rối loạn tiêu hóa.

ShopeeFood ra mắt hàng loạt tính năng mới, định hình trải nghiệm đặt món trực tuyến đa giác quan

ShopeeFood vừa chính thức ra mắt 2 tính năng mới “Ăn Ngon Rẻ, ShopeeFood Bao” và “ShopeeFood Trùm Deal”, với mong muốn nâng cao trải nghiệm người dùng khi đặt món trên ứng dụng, mang đến sự mới mẻ và tiện lợi hơn. Bên cạnh đó, với chiến lược mang yếu tố giải trí vào hành trình đặt món trực tuyến, ShopeeFood tiếp tục mang đến những chương trình, hoạt động mang đậm tính đột phá và đặc sắc nhằm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng trẻ.

Nới room ngoại: Tác động đối với MB, VPBank và HDBank sẽ ra sao?

Room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc như MB, HDBank, VPBank sẽ được nâng lên 49% kể từ ngày 19/5. Chính sách nới trần này được kỳ vọng góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu.

Giá vàng tuần này giảm mạnh?

Sáng nay (12/5), giá vàng trong nước neo ở mức 122 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC và 120 triệu đồng/lượng với vàng nhẫn. Giá vàng thế giới đang giảm và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong tuần này nên giá vàng trong nước sẽ điều chỉnh theo.