Kỹ năng sống

Trăn trở của những phụ nữ không chồng

25 năm trước cô đã trở thành một trong những nhà thiết kế đồ họa máy tính đầu tiên ở Trung Quốc. Thời đó, khi một hộ gia đình có tiết kiệm 10.000 tệ đã đáng ngưỡng mộ, cô đã đủ khả năng mua một căn nhà ở Thượng Hải giá 1,35 triệu tệ và đưa bố mẹ đến sống cùng.

Bây giờ, bố mẹ vẫn nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc Hồ Tú như ngày thơ bé. Còn cô, tận hưởng cuộc sống độc thân.

Thời trẻ cô thích leo núi tuyết nên cứ hai, ba tháng một lần, lại cùng vài người bạn khoác ba lô lên đường. Từ núi tuyết Haba (5.396 m, ở Shangri-La), Kilimanjaro (5.895 m, cao nhất châu Phi) hay Mont Blanc (4.809, cao nhất dãy Alps ở châu Âu) đều in dấu chân cô. Sau này các bạn lần lượt lấy chồng, sinh con, chuyển ra nước ngoài định cư, cô không còn hội chơi nữa.

Giờ đây, hoạt động hàng tuần của cô là uống trà và ăn tối với người bạn gái thân nhất. Người này hơn cô một tuổi, có chồng nhưng không sinh con.

Từ 5 năm trước, đôi bạn đã bắt đầu đi tìm mái ấm cho tuổi già. Hai người đi dạo quanh một viện dưỡng lão hàng đầu ở Hàng Châu và hỏi "Nếu một người bị liệt hoàn toàn, chi phí để sống ở đây là bao nhiêu?". Người phụ trách trả lời tốn khoảng 30.000 tệ (khoảng 99 triệu đồng) một tháng. Cô và người bạn thân nhẩm tính tài sản rồi nhìn nhau cười: "Không thành vấn đề".

Nhưng một năm sau, cô bỗng hoang mang và lo sợ về cuộc sống không chồng không con. Năm đó, người bạn thân mắc ung thư cổ tử cung. Từ bệnh viện về, cô bỗng không kìm nổi nước mắt hỏi bố mẹ: "Nếu chuyện này xảy ra với con thì sao?".

Lứa phụ nữ độc thân đầu tiên ở Trung Quốc xuất hiện cùng với sự phát triển kinh tế và xã hội hiện đại, đến nay họ bắt đầu già đi. Ảnh: Stock

Lứa phụ nữ độc thân đầu tiên ở Trung Quốc xuất hiện cùng với sự phát triển kinh tế và xã hội hiện đại, đến nay họ bắt đầu già đi. Ảnh: iStock

Tại thị trấn Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang vào năm 2019, Đổng Tiểu Nhã, 48 tuổi, cũng được chẩn đoán ung thư cổ tử cung. Khi đó, cha mẹ đã khuất núi, em gái út đã lập gia đình, chỉ còn Tiểu Nhã sống với người em trai trong căn nhà 50 m2.

Tháng 11, trời Giai Mộc Tư lạnh cóng, Tiểu Nhã một mình bắt hai chuyến xe buýt đi nhập viện. Em trai phải đi làm nên bữa sáng và tối đều do bạn bè, hàng xóm mang tới cho cô. Cô xuất viện sau 19 ngày phẫu thuật và điều trị. "Tôi có bảo hiểm nên không ngại ở viện lâu, chỉ là không muốn phiền người khác phải cơm nước hàng ngày cho mình", cô nói.

Về nhà, cô tự nội trợ. Để không ảnh hưởng vết mổ, cô lấy sợi dây một đầu buộc vào eo, đầu kia buộc vào tay phải, độ dài vừa tầm với để khi vung tay không bị quá.

Hồ Tú không kết hôn một phần vì lo sự nghiệp. Bạn bè và người thân mai mối nhiều nhưng không đến đâu. Ngoảnh đi ngoảnh lại khi đã bớt mải mê với công việc cô đã 37 tuổi.

Đến tuổi 40, nữ đại gia này bỗng muốn kết hôn và sinh con trước khi hết khả năng. Cô hẹn hò với một anh chàng kém 2 tuổi ở Hải Nam. Hai người trò chuyện qua mạng suốt một năm và thỉnh thoảng hẹn ăn tối ở Thượng Hải.

Đến khi cả hai đi du lịch Quế Lâm một tháng, cô nhận ra mình không thể trông chờ được gì từ người đàn ông này. Khi đón ở sân bay, anh chàng không nhấc chiếc vali nặng cho cô, dù mua đồ ăn hay cà phê, đều chỉ mua phần mình. Quan trọng hơn, cô không có rung động cơ thể với người này. Hai người ở chung một phòng khách sạn, nhưng ngủ trên hai chiếc giường riêng biệt.

Không giống như Hồ Tú, Tiểu Nhã luôn bị mắc kẹt bởi hoàn cảnh gia đình. Cha mẹ qua đời sớm, mới ngoài 20 tuổi cô dựa vào nghề bán kem que để nuôi các em.

Hàng xóm giới thiệu vài mối nhưng không đến đâu. Đối phương chủ yếu thấy cô không có cha mẹ, lại có một đứa em trai, đồng nghĩa sau này em lấy vợ mua nhà, tất cả đều do nhà anh rể chi trả.

Còn Kiều Sảng, 40 tuổi ở Thiểm Tây không kết hôn vì hoàn cảnh gia đình. Bố mẹ cô hầu như không nói chuyện với nhau. Suốt một thời gian dài, cô nghĩ đây là trạng thái bình thường của hầu hết các gia đình. Mãi cho đến khi vào đại học, đến thăm nhà bạn cùng phòng, cô mới ngạc nhiên khi phát bố mẹ bạn cười đùa, tình cảm.

"Khi còn nhỏ, mẹ thường phàn nàn rằng nếu không có tôi, họ đã ly hôn từ lâu. Thế nhưng ngay khi tôi tốt nghiệp cao học, mẹ đã lập tức giục yêu và kết hôn", cô kể. Cô cố gắng giải thích rằng bất cứ khi nào nghĩ đến mối quan hệ của bố mẹ, cô lại sợ hôn nhân.

Để thoát khỏi áp lực gia đình, cô thuê một ngôi nhà ra ở riêng. Năm 30 tuổi, cô được phát hiện có khối u trong xương, buộc phải nghỉ việc nửa năm để đi chữa bệnh. Ngay khi hồi phục, gia đình lại tiếp tục làm mai. Không muốn từ chối thẳng, cô nói hãy liên hệ với mình trước.

Vài ngày sau, cô nhận được một cuộc gọi. Đầu bên kia là bố của đối tượng xem mắt. Ông hỏi về công việc, cô trả lời đang làm trong một công ty IT của Đức. Người này tỏ ra không hài lòng vì cô không phải công chức. Sau đó ông yêu cầu cô gửi chiều cao và cân nặng, nói rằng con trai không thích những người quá béo. Kiều Sảng từ chối.

Bốn năm sau, cô lại phát hiện có khối u ác tính. Từ đó, cha mẹ hoàn toàn không thúc giục chuyện cưới xin mà chỉ hy vọng con gái sống.

Hiện Đổng Tiểu Nhã đã 53 tuổi, vì sức khỏe không thể đi làm, cô dành phần lớn thời gian mỗi ngày lau dọn nhà và dắt chó đi dạo. Không kết hôn, Tiểu Nhã quan tâm nhiều hơn đến tình bạn và tình cảm gia đình. Thu nhập của cô và em trai luôn được chi tiêu cùng nhau. "Tôi nuôi nó ngày nhỏ, giờ nó nuôi tôi", cô nói.

Ngày cô xuất viện vì bệnh ung thư vú, tám cái đầu trọc trong phòng bệnh đã chụp ảnh chung. Sau đó, họ trở thành chị em kết nghĩa. "Nhìn những cặp vợ chồng già xung quanh, một trong số họ cũng người chết trước chết sau, tôi không khỏi cảm thấy kết hôn hay không có gì khác biệt. Chẳng mấy ai có thể bước bên nhau cả đời", cô chia sẻ.

Hồ Tú đã chuẩn bị đầy đủ cho tuổi già, bao gồm an sinh xã hội, lương hưu, bảo hiểm, bất động sản ở Thượng Hải và tiết kiệm. Ngoài ra, cô đến bệnh viện hàng năm để khám sức khỏe tổng thể.

Kiều Sảng thấy tất cả số tài sản kiếm được nhờ làm thêm giờ và những chuyến công tác triền miên đổ hết vào hai lần nằm viện nên quyết định thay đổi cách sống. Năm 2018, cô đến Côn Minh một mình. Tại đây, cô thay đổi từ một nhân viên văn phòng thành một doanh nhân nhỏ bán đặc sản địa phương trực tuyến. Cô dậy lúc 7 giờ mỗi sáng, uống thuốc đúng giờ, tập thể dục và dành phần lớn thời gian đọc sách và xem phim, đi dạo.

Chứng kiến những người bạn xung quanh yêu nhau, kết hôn, sinh con đẻ cái, đến khi ly hôn, Kiều Sảng chỉ cảm thấy ý nghĩa của hôn nhân quá nặng nề và cô không gánh nổi trách nhiệm. "Đối với tôi, bệnh tật trở thành cái cớ tốt nhất để không kết hôn", cô nói.

Tại Côn Minh, cô đang có quan hệ với một người khác giới. Cả hai sẽ đọc sách, trò chuyện, ăn tối, thỉnh thoảng có quan hệ thân mật. "Tôi không biết đây là loại quan hệ gì, cũng giống như tôi không còn có thể sử dụng cấu trúc gia đình mình để định vị bản thân với thế giới bên ngoài", cô nói.

(Theo Zhuanlan)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm