Xã hội

TP.HCM: Vì sao người dân xã Bàu Lâm khóc ròng vì giếng mất nước tưới cây?

Khoan giếng trong khuôn viên bia tưởng niệm liệt sĩ để lấy nước tưới chuối

Bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, Bưng Suối Hỏa, ấp 1, xã Bàu Lâm, (TP.HCM) nằm sát đất của nông trường cao su Hòa Bình 2 thuộc Công ty cổ phần cao su Thống Nhất (phường Bà Rịa, TP.HCM). Đất nằm xung quanh bia tưởng niệm này đang được nông trường trồng cao su, một phần cho ông Trương Minh Trí (quê Đồng Tháp) trồng chuối. Trong khuôn viên của bia tưởng niệm này có một giếng khoan để cung cấp nước cho vườn chuối mà ông Trí hợp đồng với Công ty cổ phần cao su Thống Nhất trồng xen cây chuối.

TP.HCM: Vì sao người dân xã Bàu Lâm khóc ròng vì giếng mất nước tưới cây?- Ảnh 1.

Khoan giếng trong khuôn viên bia tưởng niệm liệt sĩ để tưới chuối

ẢNH: NGUYỄN LONG

Anh N. ở xã Bàu Lâm cho biết giếng khoan trong khuôn viên bia tưởng niệm là ông Trí thuê người đưa máy móc đến khoan, sau đó bắt điện, máy bơm để lấy nước tưới chuối.

Cách phía sau tường rào của bia tưởng niệm hơn 20 m cũng có 2 giếng khoan tương tự (cách nhau khoảng 10 m) nằm trên đất hộ dân cũng được ông Trí thuê máy móc, nhân công đến khoan giếng lấy nước.

TP.HCM: Vì sao người dân xã Bàu Lâm khóc ròng vì giếng mất nước tưới cây?- Ảnh 2.

Giếng khoan xuất hiện trên các khu đất

ẢNH: NGUYỄN LONG

2 giếng nước khác cách 2 giếng trên nằm trong đất một hộ dân gần đó khoảng 50 m cũng được ông Trí thuê nhân công, máy móc đến khoan, đặt bơm nước, nối ống nhựa để bơm lấy nước tưới chuối.

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên ngày 16.7, bà Lê Thị Ngọc Lan, Trưởng phòng Kế hoạch và Kinh doanh Công ty cổ phần cao su Thống Nhất cho biết, tháng 8.2024 công ty và ông Trí có làm hợp đồng hợp tác. Theo đó, ông Trí trồng chuối xen canh trên đất trồng cây cao su của nông trường cao su Hòa Bình 2, xã Bàu Lâm trên diện tích đất rộng hơn 62 ha. Công ty và ông Trí sẽ ăn chia theo sản phẩm.

"Khi ký hợp đồng, công ty yêu cầu ông Trí không được khoan giếng trong đất nông trường, vì đây là đất nhà nước nên việc khoan giếng, sử dụng nước ngầm phải xin phép. Ông Trí có nói với công ty là đã mua được vài sào đất của người dân, sẽ khoan giếng trên đó. Ông Trí cam kết không khoan giếng trên đất nông trường nên 2 bên đi đến ký hợp đồng hợp tác xen canh trồng chuối", bà Lan cho hay.

Người dân khóc ròng vì nước giếng bị cạn kiệt, không có nước tưới tiêu

Anh B.T.N (ở ấp 2B, xã Bàu Lâm) cho biết, gia đình anh có rẫy sát đất nông trường mà ông Trí đang trồng chuối. "Họ có đến gặp gia đình tôi, đặt vấn đề cho khoan 2 giếng nước với giá 100 triệu đồng, sử dụng sau 2 năm sẽ để giếng lại cho gia đình tôi sử dụng. Tôi thấy việc khoan giếng là ảnh hưởng đến bà con nên không chấp nhận", anh N. chia sẻ.

TP.HCM: Vì sao người dân xã Bàu Lâm khóc ròng vì giếng mất nước tưới cây?- Ảnh 3.
TP.HCM: Vì sao người dân xã Bàu Lâm khóc ròng vì giếng mất nước tưới cây?- Ảnh 4.
TP.HCM: Vì sao người dân xã Bàu Lâm khóc ròng vì giếng mất nước tưới cây?- Ảnh 5.

Các giếng khoan nằm sát ranh giữa đất dân và đất nông trường cao su

ẢNH: NGUYỄN LONG

Ông H.Đ.K (ở ấp 3B, xã Bàu Lâm) có 1 ha đất trồng tiêu và cà phê. "Giếng nhà tôi khoan từ lâu, để sinh hoạt và tưới tiêu, cà phê, dùng hoài không hết nước. Nhưng từ tháng 6 năm nay là nước giếng bắt đầu ít dần, máy bơm không lên nước", ông K. nói.

Phản ánh đến Báo Thanh Niên, ông K. cho biết có khoảng trên dưới 60 hộ dân ở ấp 2B, 3B (xã Bàu Lâm) bị ảnh hưởng nguồn nước tưới tiêu, cà phê do ông Trí khoan giếng. Có khu đất của dân, ông Trí thuê lại đã khoan 4 giếng. Nhiều khu đất khác ông Trí cho khoan 2 đến 3 giếng.

"Tính đến nay phải có hơn 50 giếng khoan đã được ông Trí thuê lại đất của dân để khoan lấy nước tưới chuối. Do ông Trí khoan giếng dày đặc, sát nhau và sâu nên đã làm giếng nước của người dân cạn kiệt, trơ đáy. Mùa khô tới đây, người dân sẽ không còn nước để tưới hoa màu, tiêu, cà phê", anh H.V.C, ở ấp 3B, xã Bàu Lâm chia sẻ.

Từ thông tin, hình ảnh của PV Báo Thanh Niên cung cấp các giếng khoan trên đất của dân, ông Trần Văn Dững, Chủ tịch UBND xã Bàu Lâm cho biết sẽ thành lập đoàn kiểm tra, xử lý.

Các tin khác

Phó Chủ tịch VCCI: Cần thí điểm cho vay thế chấp bằng hợp đồng sản xuất - thu mua nông sản

Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, khó khăn lớn nhất của DN, nông dân thực hiện kinh tế tuần hoàn là tiếp cận đất đai, vốn. Do đó, có thể thí điểm cho vay liên kết theo hợp đồng ba bên giữa: Ngân hàng - doanh nghiệp đầu chuỗi liên kết thu mua nông sản – hợp tác xã, nông dân để hỗ trợ người dân.