Xã hội

TP.HCM cấp tập thu dung người lang thang, xin ăn

Tóm tắt:
  • Sở Y tế TP.HCM yêu cầu quản lý người lang thang và trẻ em cần bảo vệ trước dịp lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
  • Các đơn vị liên quan phải rà soát, quản lý và can thiệp kịp thời đối với người lang thang và xin ăn.
  • Cơ quan chức năng khuyến cáo không cho tiền trực tiếp cho người lang thang để tránh trục lợi.
  • TP.HCM hiện có 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập, với 12 cơ sở đã tiếp nhận hơn 6.000 người.
  • Người dân nên hỗ trợ qua các tổ chức từ thiện thay vì cho tiền trực tiếp để giúp giải quyết tình trạng nghèo đói.

Ngày 15.4, Sở Y tế TP.HCM ban hành văn bản khẩn gửi các đơn vị liên quan, yêu cầu tăng cường quản lý người lang thang, xin ăn, các trường hợp cần được bảo vệ khẩn cấp, đồng thời chú trọng công tác bảo vệ trẻ em trước, trong và sau dịp lễ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).

Chính sách này nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và giữ gìn mỹ quan đô thị trong thời điểm tổ chức nhiều hoạt động lễ hội lớn của thành phố.

Theo đó, Sở Y tế đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo các phường, xã, thị trấn khẩn trương kiện toàn tổ công tác chuyên trách, tập trung rà soát, quản lý người lang thang, xin ăn và các đối tượng cần được bảo vệ khẩn cấp, đặc biệt tại các khu vực công cộng, điểm du lịch, nơi tổ chức sự kiện, lễ hội.

Lực lượng chức năng cần kịp thời xử lý các trường hợp tổ chức, xúi giục, ép buộc, dụ dỗ hoặc chăn dắt người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em đi xin ăn nhằm trục lợi; đồng thời, lập hồ sơ và đưa các đối tượng lang thang, xin ăn vào các cơ sở trợ giúp xã hội theo đúng quy định.

TP.HCM cấp tập thu dung người lang thang, xin ăn - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng TP.HCM khuyến cáo người dân không cho tiền trực tiếp người lang thang, xin ăn

ẢNH: NHẬT THỊNH

Các địa phương cần đặc biệt lưu ý các khu vực trọng điểm như Dinh Độc Lập, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường Nguyễn Huệ, Nghĩa trang liệt sĩ thành phố, Đền tưởng niệm Bến Dược, Nghĩa trang liệt sĩ H.Củ Chi, Nghĩa trang chính sách thành phố, Di tích Ngã Ba Giồng... và các địa điểm tổ chức sự kiện lớn, không để xảy ra tình trạng chèo kéo, gây phản cảm ảnh hưởng đến hình ảnh đô thị.

Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu các quận, huyện và TP.Thủ Đức thành lập các đoàn kiểm tra toàn diện các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em (đặc biệt là cơ sở tôn giáo) về việc tuân thủ luật Trẻ em và các quy định liên quan.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM đề nghị lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM chỉ đạo các trật tự viên nếu phát hiện trẻ em, người lang thang, xin ăn thì cần kịp thời can thiệp, ngăn chặn và báo ngay cho tổ công tác hoặc chính quyền, công an địa phương để phối hợp xử lý theo quy định.

Không trực tiếp cho tiền người lang thang, xin ăn

Hiện nay, TP.HCM có 16 cơ sở bảo trợ xã hội công lập, trước đây do Sở LĐ-TB-XH TP.HCM quản lý. Theo chủ trương sắp xếp bộ máy, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM chấm dứt hoạt động. Sau đó, có 4 cơ sở gồm Làng thiếu niên Thủ Đức, Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân và SOS - Làng trẻ em TP.HCM được chuyển giao cho lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM.

12 cơ sở còn lại với hơn 6.000 người đang được chăm sóc, nuôi dưỡng đã được Sở Y tế TP.HCM tiếp nhận.

Hiện có Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM, Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần TP.HCM là các cơ sở tiếp nhận ban đầu người lang thang, xin ăn tại TP.HCM.

Sau khi tiếp nhận, các cơ quan chức năng sẽ xem xét nguyện vọng của từng trường hợp để quyết định hướng xử lý phù hợp: có thể hỗ trợ hồi gia, hội nhập cộng đồng, hoặc chuyển đến các cơ sở bảo trợ xã hội khác tùy theo hoàn cảnh.

Riêng với trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật tâm thần, thần kinh, việc cho hồi gia chỉ được thực hiện khi có người thân hoặc người giám hộ hợp pháp làm đơn đề nghị.

Về tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn TP.HCM thì đây là một vấn đề chưa được giải quyết triệt để.

UBND TP.HCM từng kêu gọi người dân thay đổi thói quen, không cho tiền trực tiếp người lang thang, xin ăn. Điều này để tránh vô tình tiếp tay cho các hành vi chăn dắt, trục lợi từ lòng tốt. Chưa kể, việc cho tiền trực tiếp cũng không giúp người lang thang, xin ăn thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn mà còn duy trì vòng luẩn quẩn của đói nghèo và lệ thuộc. Người dân có lòng hảo tâm nên hỗ trợ thông qua các tổ chức từ thiện, đoàn thể chính trị - xã hội, hoặc các cơ sở bảo trợ xã hội được cấp phép.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.

Toàn cảnh nhà ga gần 11.000 tỷ tại sân bay Tân Sơn Nhất trước ngày vận hành

TPO - Dự án nhà ga hành khách quốc nội T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện đang bước vào giai đoạn “chạy nước rút”, với các công đoạn vệ sinh và thử nghiệm vận hành được triển khai khẩn trương. Dự kiến, công trình có tổng vốn gần 11.000 tỷ đồng này sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19/4 tới.

Thương hiệu thiết bị làm đẹp cao cấp GEMO từ Thụy Sĩ chính thức ra mắt tại Việt Nam

GEMO, thương hiệu thiết bị làm đẹp cao cấp đến từ Thụy Sĩ, chính thức ra mắt thị trường Việt Nam thông qua sự kiện “Timeless Beauty” được tổ chức tại Crescent Mall, Quận 7, TP.HCM. Sự kiện cũng đồng thời đánh dấu cột mốc khai trương cửa hàng thứ hai của GEMO tại Việt Nam, sau sự hiện diện đầu tiên tại trung tâm thương mại Takashimaya.