Kỹ năng sống

Top 10 kỳ thi khó nhất thế giới: Làm bài thi 12 tiếng mới xong, ôn thi tận 26 lần nhưng vẫn... trượt, tỷ lệ chọi lên đến 1/500!

Thi cử là một trong những cơn ác mộng đối với hầu hết học sinh. Bất cứ khi nào đến các kỳ thi như thi học kỳ, kết thúc học phần... là tụi học sinh lại phải "ăn dầm nằm dề" với sách vở, rồi thức đêm thức hôm để cố nhồi hết đống kiến thức khô khan kia vào đầu.

Vào những lúc như thế, ai cũng chỉ mong nhanh nhanh chóng chóng để có thể thoát ra khỏi những ngày tháng thi cử cực nhọc ấy. Tuy nhiên, nếu hiện tại bạn vẫn coi những kỳ thi kể trên là khó nhất rồi thì phải tham khảo ngay 10 kỳ thi dưới đây, lúc đó bạn sẽ phải suy nghĩ lại: "Ừ thì mấy kỳ thi mình phải tham gia hóa ra cũng... dễ".

1. IES

IES là kỳ thi dịch vụ kỹ thuật tại Ấn Độ, được tổ chức với mục đích tuyển chọn nhân tài làm việc cho Chính phủ Ấn Độ ở các vị trí liên quan đến kỹ thuật và quản lý. Đây được xem là kỳ thi khó nhất ở đất nước này, với tỷ lệ chọi cực cao.

Kỳ thi này bao gồm 4 giai đoạn được tổ chức trên toàn quốc với 6 bài kiểm tra tổng cộng. Bài kiểm tra viết gồm hai phần kéo dài lên tới... 12 giờ, sau đó là bài kiểm tra tính cách. Rất nhiều ứng cử viên đăng ký tham gia vào kỳ thi này hàng năm - vì vượt qua kỳ thi nghĩa là những người học ngành kỹ thuật có thể có được vị trí làm việc uy tín nhất. Nhưng vào năm 2010, trong số 157.649 người tham gia chỉ có 434 người được chọn (chiếm tỷ lệ 0,27%). Tỷ lệ nghe thôi đã khiến người ta chóng mặt.

Top 10 kỳ thi khó nhất thế giới: Làm bài thi 12 tiếng mới xong, ôn thi tận 26 lần nhưng vẫn... trượt, tỷ lệ chọi lên đến 1/500! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

2. LNAT

Kỳ thi tuyển sinh quốc gia ngành Luật (LNAT) là bài kiểm tra đầu vào của các trường đại học luật tại Vương quốc Anh. Kỳ thi này được bắt đầu từ năm 2004 với mục đích chính là tìm ra những sinh viên vào các trường luật hàng đầu Anh quốc. Nó chính là công cụ để sàng lọc những người giỏi nhất trong số những học sinh giỏi. Có 9 trường đại học luật tuyển sinh thông qua LNAT, kỳ thi được thực hiện tại hàng trăm trung tâm kiểm tra trên toàn thế giới. Bài kiểm tra này hiện được áp dụng ngay cả với sinh viên nước ngoài.

Mỗi ứng viên có 2,5 tiếng để hoàn thành một bài luận và 42 câu hỏi trắc nghiệm nhằm mục đích kiểm tra kỹ năng đọc hiểu và suy luận logic. Phần đọc bao gồm một đoạn văn mà người đó phải trả lời mười bộ câu hỏi. Đối với phần bài luận, thí sinh có 40 phút và chủ đề thường liên quan đến học sinh.

3. CCIE

Chứng chỉ CCIE (Cisco Certified Internetworking Expert) là một trong những chứng chỉ khó có được nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cisco Networks tổ chức kỳ thi này để tuyển dụng các chuyên gia Internet vào tổ chức của họ. Muốn đạt được chứng chỉ này, thí sinh cần phải nỗ lực vượt bậc và có chương trình học phù hợp.

Bài kiểm tra được phân làm 6 phần trong 2 giai đoạn. Chỉ những ứng cử viên hoàn thành giai đoạn đầu tiên mới đủ điều kiện để tham gia vào giai đoạn thứ hai. Thời gian làm bài thi thường kéo dài 8 giờ và có tỷ lệ trúng tuyển chỉ 1%.

Top 10 kỳ thi khó nhất thế giới: Làm bài thi 12 tiếng mới xong, ôn thi tận 26 lần nhưng vẫn... trượt, tỷ lệ chọi lên đến 1/500! - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

4. GATE

GATE là viết tắt của Gratitude Aptitude Test in Engineering Gate - kỳ thi Kiểm tra năng lực sau đại học về Kỹ thuật, được thực hiện bởi Viện Công nghệ Ấn Độ để xét tuyển vào các chương trình giáo dục sau đại học. GATE cũng được sử dụng để tuyển dụng các ứng viên ở vị trí nhà nước.

Kỳ thi được thiết kế để kiểm tra sự hiểu biết toàn diện của người học, kiến thức sẽ bao quanh kỹ thuật và khoa học. Thí sinh tham gia kỳ thi phải vượt qua bài kiểm tra dài 3 giờ với 65 câu hỏi tối đa 100 điểm. Trong hơn 1 triệu sinh viên nộp đơn tham gia kỳ thi này hàng năm, chỉ có 2.000 người được nhận vào, tương đương tỷ lệ chọi 1/500.

5. Cao Khảo

Kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc hay Cao khảo (gaokao), còn gọi tắt là Cao khảo Phổ thông, là một kỳ thi chung được tổ chức hàng năm ở đất nước tỷ dân. Từ lâu, đây đã được xem là kỳ thi mang tính quyết định tới số phận học sinh Trung Quốc. Lý do là vì với điểm số tốt, sĩ tử sẽ thuận lợi được nhận vào ngôi trường hàng đầu, từ đó có một tương lai tốt đẹp hơn.

Khoảng 10 triệu học sinh tham dự kỳ thi này hàng năm, nhưng chỉ 2% trong số đó được nhận vào 38 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, và chỉ 0,05% vào được Thanh Hoa và Bắc Kinh - được coi là Oxbridge (Oxford và Cambridge) của Trung Quốc. Để tham gia kỳ thi này, sĩ tử phải học ngày học đêm ròng rã trong suốt bao nhiêu năm trời. Nhưng chăm chỉ không thôi là chưa đủ, bạn phải có sự may mắn nữa. Điều đó đã được chứng minh trong trường hợp của Lương Thật (55 tuổi) được gọi là "vua cao khảo" vì kiên trì tham gia thi đại học 26 lần nhưng vẫn... không đỗ.

Top 10 kỳ thi khó nhất thế giới: Làm bài thi 12 tiếng mới xong, ôn thi tận 26 lần nhưng vẫn... trượt, tỷ lệ chọi lên đến 1/500! - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Cao khảo bao gồm 4 môn thi, mỗi môn 3 tiếng: Tiếng Trung, tiếng Anh, Toán và một môn khoa học tự chọn (Sinh học, Hóa học, Vật lý) hoặc một môn xã hội tự chọn (Địa Lý, Lịch sử, Chính trị). Đề chủ yếu là câu hỏi trắc nghiệm và điền vào chỗ trống, nổi tiếng là rất khó. Đề Toán được so sánh với chương trình cấp đại học ở Anh. Tuy nhiên, đối với nhiều sinh viên, đáng sợ nhất là bài luận.

6. Mensa

Mensa là cộng đồng gồm những người có IQ cao nhất và lâu đời nhất trên thế giới. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận dành cho những người có điểm số IQ cao hơn 98% nhân loại, kết quả thu được từ việc kiểm tra IQ hoặc thông qua một số kết quả bài kiểm tra trí thông minh hợp lệ khác

Để tham gia kỳ thi của Mensa, điều kiện tiên quyết bạn phải có trí thông minh nằm trong 2% dân số thế giới (chỉ số IQ là 132 trở lên theo thang điểm Stanford-Binet). Cuộc thi Mensa không quy định về tuổi tác, mọi người có thể làm bài kiểm tra ở mọi lứa tuổi. Mục đích chính của tổ chức là thúc đẩy trí thông minh của con người vì lợi ích của nhân loại, khuyến khích nghiên cứu và cung cấp một môi trường trí tuệ và xã hội kích thích cho các thành viên của nó.

7. GRE

GRE là viết tắt của The Graduate Record Examination. Đây là bài kiểm tra tiêu chuẩn được sử dụng trong việc xét điều kiện nhập học sau đại học (Master hoặc PhD) ở các chuyên ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội (trừ Y, Dược, Luật) tại Mỹ.

Bài thi GRE có 2 dạng là GRE tổng quát (General Test) – là bài thi chung cho các bạn sinh viên muốn học sau đại học và GRE chuyên ngành (Subject Test) – là bài thi chuyên ngành trong 8 lĩnh vực (hóa học, sinh học, khoa học máy tính…). Trên thế giới có khoảng nửa triệu người tham gia dự thi GRE tổng quát hàng năm so với số ít sinh viên chọn bài GRE chuyên ngành.

Top 10 kỳ thi khó nhất thế giới: Làm bài thi 12 tiếng mới xong, ôn thi tận 26 lần nhưng vẫn... trượt, tỷ lệ chọi lên đến 1/500! - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

8. CFA

Chứng chỉ CFA (Chartered Financial Analyst) là một một chứng chỉ nghề nghiệp được xem như tiêu chuẩn vàng đánh giá năng lực, tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của giới đầu tư. CFA được cấp bởi Viện CFA Hoa Kỳ – thành lập năm 1947, hiện có hơn 167.000 hội viên tại 165 quốc gia trên toàn cầu.

Chương trình CFA được công nhận rộng rãi trên khắp thế giới bởi tính thực tiễn cao và cung cấp nền tảng kiến thức và các nguyên tắc hoạt động của thị trường đầu tư toàn cầu. Nó phù hợp với những ai đang làm việc trong các ngành liên quan đến tài chính như: kế toán, kinh tế, quản lý ngân sách, chứng khoán.

Chương trình đào tạo của CFA gồm 10 môn học như: Phương pháp tính định lượng, Báo cáo và phân tích tài chính, Công cụ phái sinh, Tài chính doanh nghiệp, Quản lý và lập kế hoạch danh mục đầu tư...

9. Kỳ thi học bổng All Souls

Kỳ thi lấy học bổng của trường All Souls trực thuộc Đại học Oxford được coi là kỳ thi khó thứ hai trên thế giới. Các thí sinh tham gia kỳ thi được yêu cầu viết một bài luận trong thời gian 3 tiếng mà đề bài thì chỉ có một từ duy nhất. Điều này đòi hỏi ở thí sinh một lượng kiến thức thực tế sâu rộng và trí tưởng tượng phong phú. Chỉ có 2 ứng viên xuất sắc nhất giành được học bổng mỗi năm. Kể từ năm 2010 thì bài luận này đã được lược bỏ, chỉ còn lại bốn phần thi, mỗi bài ba giờ.

10. Kiểm tra Văn bằng Thạc sĩ Sommelier

Court of Master Sommeliers (CMS) là một tổ chức giáo dục được thành lập vào năm 1977 nhằm khuyến khích các chuyên gia nâng cao tiêu chuẩn phục vụ đồ uống, đặc biệt là kết hợp rượu và đồ ăn. Từ khi thành lập cho đến năm 2018, chỉ có 274 người trên toàn thế giới nhận được bằng Thạc sĩ Sommelier.

Bài kiểm tra Văn bằng Thạc sĩ Sommelier bao gồm 3 phần: Thi lý thuyết: thi vấn đáp kéo dài trong 50 phút; Kiểm tra dịch vụ rượu thực tế; Thực hành Nếm - được chấm điểm dựa trên khả năng diễn đạt của ứng viên để mô tả rõ ràng và chính xác sáu loại rượu khác nhau trong vòng 25 phút. Các thí sinh phải xác định, nếu thích hợp, các giống nho, quốc gia xuất xứ, quận huyện và tên gọi xuất xứ, và hương vị của các loại rượu vang được nếm thử.

Các ứng viên trước tiên phải vượt qua phần lý thuyết của kỳ thi lấy bằng Thạc sĩ Sommelier và sau đó có ba năm liên tiếp để vượt qua hai phần còn lại của kỳ thi. Tỷ lệ đậu cho Kỳ thi lấy bằng Thạc sĩ Sommelier (Lý thuyết) là khoảng 10%.

Theo Current School News

Cùng chuyên mục

Đọc thêm