Tài chính

OpenAI công bố ‘siêu AI’ GPT-4: Mất 6 tháng để thử nghiệm, có thể nhận diện cả hình ảnh lẫn văn bản

OpenAI công bố ‘siêu AI’ GPT-4: Mất 6 tháng để thử nghiệm, có thể nhận diện cả hình ảnh lẫn văn bản - Ảnh 1.

Sau nhiều đồn đoán, OpenAI mới đây chính thức công bố GPT-4 - phiên bản mới nhất trong mô hình ngôn ngữ AI đằng sau các ứng dụng như ChatGPT và Bing.

Theo OpenAI, mô hình mới “sáng tạo hơn bao giờ hết” và “có thể giải quyết các vấn đề khó với độ chính xác cao”. Nó có thể phân tích, nhận diện cả văn bản lẫn hình ảnh, song chỉ có thể phản hồi dưới dạng chữ.

Tuy nhiên, phía OpenAI cũng đưa ra lời cảnh báo rằng hệ thống này vẫn tồn tại nhiều vấn đề tương tự các mô hình ngôn ngữ tiền nhiệm, trong đó có việc cung cấp các thông tin bạo lực và có hại.

Chia sẻ với The Verge, OpenAI cho biết họ đã hợp tác với một số công ty để tích hợp GPT-4 vào sản phẩm, bao gồm Duolingo, Stripe và Khan Academy. Mô hình mới khả dụng thông qua ChatGPT Plus, gói đăng ký ChatGPT hàng tháng 20 USD và đang hỗ trợ chatbot Bing của Microsoft.

Trong một bài blog, OpenAI cho biết sự khác biệt giữa GPT-4 và người tiền nhiệm GPT-3.5 là “sự tinh tế” trong các cuộc trò chuyện thông thường. Theo Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman, GPT-4 “vẫn còn thiếu sót và hạn chế” song lại gây được ấn tượng với người dùng sau nhiều giờ sử dụng.

Ấn tượng GPT-4 thể hiện rõ nhất qua một số bài kiểm tra và điểm chuẩn, trong đó có LSAT, SAT và Đọc & Viết dựa trên SAT. Trong các bài kiểm tra, GPT-4 đều đạt 88 điểm phần trăm trở lên, theo The Verge.

OpenAI công bố ‘siêu AI’ GPT-4: Mất 6 tháng để thử nghiệm, có thể nhận diện cả hình ảnh lẫn văn bản - Ảnh 2.

GPT-4 được cho là “sáng tạo hơn bao giờ hết” và “có thể giải quyết các vấn đề khó với độ chính xác cao”.

Trước đó, nhiều đồn đoán về GPT-4 đã được ghi nhận. Nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là bước nhảy vọt đáng kể so với người tiền nhiệm, song theo thông báo của OpenAI, sự cải tiến này mang tính lặp lại nhiều hơn.

Hồi tuần trước, một giám đốc điều hành của Microsoft cũng tiết lộ hệ thống mới sẽ sớm ra mắt sau khi tích hợp đa phương thức, từ văn bản, âm thanh đến video để nâng cao hệ thống AI. Khả năng phân tích đồng thời cả văn bản và hình ảnh cũng giúp GPT-4 giải được những thông tin đầu vào phức tạp.

Theo The Verger, OpenAI đã có một hành trình dài trước khi công bố GPT-4. Công ty này đã xây dựng động lực trong vài năm trước khi nhanh chóng trở thành xu hướng trong thời gian gần đây.

Tài liệu nghiên cứu ban đầu cho biết GPT được ra mắt vào năm 2018; GPT-2 ra mắt năm 2019 và GPT-3 ra mắt năm 2020. Các mô hình này được đào tạo trên bộ dữ liệu văn bản khổng lồ, phần lớn được lấy từ internet. Cơ chế tương đối đơn giản, nhưng chúng có thể tạo ra các hệ thống linh hoạt, trong đó có việc thực hiện tác vụ dựa trên văn bản như dịch thuật hoặc tạo code.

OpenAI ban đầu trì hoãn việc công bố mô hình GPT vì sợ chúng bị sử dụng vào các mục đích xấu như tạo spam và thông tin sai lệch. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, công ty vẫn quyết định ra mắt ChatGPT — một chatbot dựa trên GPT-3.5 mà bất kỳ ai cũng có thể truy cập. Sự ra mắt của ChatGPT sau đó tạo ra một làn sóng trong giới công nghệ, thậm chí khiến Microsoft ngay sau đó phải ra mắt chatbot Bing của riêng mình. Google cũng cố gắng không lạc loài trong cuộc chơi.

OpenAI công bố ‘siêu AI’ GPT-4: Mất 6 tháng để thử nghiệm, có thể nhận diện cả hình ảnh lẫn văn bản - Ảnh 3.

Sự sẵn có của các mô hình ngôn ngữ AI đã cho thấy nhiều những thách thức.

Đúng như dự đoán, sự sẵn có của các mô hình ngôn ngữ AI đã cho thấy nhiều những thách thức. Hệ thống giáo dục cố gắng thích ứng với sự tồn tại của phần mềm viết bài luận; trong khi các trang web trực tuyến như Stack Overflow và tạp chí khoa học viễn tưởng Clarkesworld buộc phải đóng băng các bài gửi do tràn ngập nội dung mà AI tạo ra. Gian lận trong thi cử cũng khiến ChatGPT vấp phải nhiều chỉ trích.

“Học sinh sẽ lạm dụng chatbot của OpenAI vì cho rằng nó biết mọi thứ. Công nghệ này được giới thiệu như thể rất uy tín, khiến mọi người dễ dàng hiểu lầm”, Austin Ambrose, giáo viên tại một trường trung học ở Idaho (Mỹ), nói.

“Việc đưa các công nghệ trí tuệ nhân tạo mới vào trường học đang cho phép học sinh tự động tạo các bài luận. Điều này ảnh hưởng đến toàn bộ giáo trình của chúng tôi”, Peter Laffin, người sáng lập Crush the College Essay chia sẻ với Fox News. “Việc học sinh nhỏ tuổi tiếp cận ChatGPT từ sớm sẽ càng nảy sinh nhiều vấn đề”.Ngoài ra, ChatGPT còn bị cho là có thể qua mặt các phần mềm đạo văn. Thông thường giáo viên sẽ xác minh độ tin cậy của các bài luận thông qua các phần mềm như Turnitin. Ứng dụng này đối chiếu văn bản với cơ sở dữ liệu nguồn, tìm ra được những nội dung sao chép và tỷ lệ trùng lặp trên mỗi bài. Tuy nhiên, nếu học sinh sử dụng ChatGPT, Turnitin sẽ không thể phát hiện vì thông tin từ chatbot AI chưa được cập nhật.

“Nếu có sẵn một công cụ như ChatGPT, quy trình đánh giá khả năng viết của học sinh sẽ không còn hiệu quả”, bà Whitney Shashou, nhà sáng lập của công ty tư vấn giáo dục Admit NY, nhận định.

Đáp lại, ngày thông báo về GPT-4, OpenAI nhấn mạnh hệ thống đã trải qua 6 tháng thử nghiệm an toàn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, điều đó không có nghĩa là hệ thống không mắc lỗi hoặc cung cấp những nội dung có hại, một phần do chưa được update các thông tin mới nhất.

Theo: The Verge, The US Sun

Cùng chuyên mục

Đọc thêm