Ngày nay, để sa thải một nhân viên, hầu hết công ty không bao giờ công khai nói với nhân viên rằng: "Bạn đã bị sa thải" mà thường dùng những cách khác để ám chỉ nhân viên và buộc nhân viên đó phải nộp đơn xin nghỉ việc cho công ty, vì những rắc rối liên quan đến điều khoản Luật lao động. Quy định cho thấy nếu người lao động chủ động thôi việc vì "lý do cá nhân" thì người sử dụng lao động không cần phải trả những khoản bồi thường hợp đồng.
Có thể nói, để giúp công ty tiết kiệm khoản tài chính đền bù này, nhiều HR thực sự dùng đủ cách "chèn ép" những nhân viên không hiểu luật, thậm chí chính sếp cũng đưa ra những lời "uy hiếp" nhẹ nhàng: "Nếu công ty sa thải bạn, điều này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tìm việc tiếp theo của bạn, vì vậy bạn nên tự nộp đơn xin nghỉ việc".
Tuy nhiên, đừng tin lời sếp, đừng thỏa hiệp dễ dàng. Bởi lẽ việc bị công ty sa thải sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến việc tìm việc của bạn sau đó, ngược lại, còn giúp bạn nhận được khoản tiền bồi thường hợp lý.
Vậy khi muốn nhân viên chủ động xin nghỉ, nhà tuyển dụng thường dùng những cách nào?
1. Hạ chức vụ hoặc bậc lương
Đây có thể nói là thủ đoạn đơn giản và được sử dụng phổ biến nhất ở các công ty, doanh nghiệp. Lấy một ví dụ đơn giản, Vương Anh (Trung Quốc) làm việc ở phòng vận hành sản phẩm đã lâu, lương tháng của anh chàng là 20 triệu. Nhưng tuần trước, vì một chút vấn đề nên Vương Anh và trưởng phòng đã có mâu thuẫn. Sau đó không lâu, anh chàng nhận được thông báo chuyển bộ phận từ phòng hành chính.
Thông báo nêu rõ, công ty quyết định chuyển Vương Anh từ phòng vận hành sản phẩm sang phòng sales. Và lương của Vương Anh từ 20 triệu giảm xuống còn 8 triệu với đánh giá hiệu suất. Ngay lập tức, Vương Anh đã nghĩ đến chuyện nghỉ việc.
Có thể thấy, mục đích công ty làm như vậy rất đơn giản, đó là thông qua việc chuyển bộ phận và giảm lương buộc Vương Anh phải tự nguyện thôi việc, để công ty không cần bồi thường khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, nếu nắm rõ luật, Vương Anh sẽ hiểu thực tế không phải như thế. Theo các quy định của Luật lao động, hành vi điều chỉnh vị trí và giảm lương của người lao động từ phía người sử dụng lao động là một thay đổi lớn trong hợp đồng lao động. Nếu người sử dụng lao động sa thải người lao động với lý do người đó không tuân theo sự sắp xếp thì đó là hành vi sa thải bất hợp pháp.
Ảnh minh họa: Timo Kuilder
Làm thế nào để đối phó với tình trạng này? Cách giải quyết tốt nhất là nói rõ rằng bạn không đồng ý với cách sắp xếp thuyên chuyển công việc và giảm lương của công ty. Nếu công ty nhất quyết làm vậy, bạn có thể mang thông báo thuyên chuyển hoặc hạ bậc lương đến Thanh trở Sở Lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để nộp hồ sơ khiếu nại, hoặc xin Hội đồng trọng tài lao động bảo vệ lợi ích riêng.
2. Thay đổi cơ cấu tiền lương
Cách này thường được sử dụng với các nhân viên ở cấp bậc quản lý. Ví dụ, tôi có một người bạn từng làm trưởng phòng kinh doanh, chỉ tính riêng thu nhập từ hoa hồng mỗi tháng của anh ta đã là cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, vì vô tình làm mất lòng sếp, anh ta đã được sếp trực tiếp thăng chức lên làm giám đốc phòng hành chính.
Nhìn bề ngoài, có vẻ như anh bạn tôi đã thăng chức, nhưng trên thực tế, anh ta không chỉ phải giao tệp khách hàng của mình cho người khác mà cơ cấu lương cũng đã thay đổi từ lương cơ bản cao và hoa hồng cao sang mức lương cố định.
Trên thực tế, hành vi của công ty đã là khấu trừ lương nên bạn tôi đã lập tức đến ngân hàng in sao kê lương hàng tháng, sau đó gửi kèm tờ tường trình bị buộc chấm dứt hợp đồng nộp cho Hội đồng trọng tài lao động để yêu cầu công ty bồi thường.
Ảnh minh họa: Timo Kuilder
3. Không sắp xếp công việc
Ngoài việc điều chỉnh công việc và cắt giảm lương, một phương pháp phổ biến khác được các công ty sử dụng là sắp xếp ngẫu nhiên một chỗ trống cho nhân viên mà không giải thích nội dung công việc mới là gì và bố trí nhân viên làm việc vặt cả ngày. Việc này khiến nhân viên chịu không nổi nên chủ động làm đơn xin nghỉ việc.
Ở đây có hai tình huống xảy ra, tình huống thứ nhất là hàng tháng công ty vẫn trả lương đúng hạn, nếu đúng như vậy thì dù không được phân công công việc, người lao động cũng không bị thiệt hại quá nhiều, bởi không làm gì vẫn được trả lương nghe không hề tệ. Điểm xấu duy nhất là bạn sẽ mất dần động lực làm việc và cũng không thể phát triển bản thân.
Một tình huống khác là công ty từ chối trả lương với lý do bạn không làm việc. Hành vi này của công ty cũng là ép lương, nợ lương, người lao động có thể khiếu nại với đoàn thanh tra lao động địa phương hoặc gửi đơn bị buộc chấm dứt hợp đồng với công ty do công ty đang nợ lương để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình thông qua trọng tài lao động.