Tổng thống Joe Biden đã ký đạo luật "Khoa học và Chip" mang tính bước ngoặt, cung cấp 52,7 tỉ USD cho các công ty nghiên cứu và sản xuất chip tại Hoa Kỳ, nhằm cạnh tranh với những nỗ lực tự chủ sản xuất chip của Trung Quốc.
"Tương lai sẽ được thực hiện ở Mỹ" - Tổng thống Biden nói và gọi biện pháp thu hút các nhà sản xuất chip này là "một khoản đầu tư duy nhất trong một thế hệ vào chính nước Mỹ."
Ông Biden một lần nữa nhắc lại kế hoạch tài trợ cho các công ty đặt nhà máy sản xuất chip tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ ban hành các quy tắc xem xét đối tượng tài trợ cũng như thời gian bảo lãnh các dự án.
Một số đảng viên Cộng hòa đã đến Nhà Trắng tham dự lễ ký ban hành Đạo luật "Khoa học và Chip". Buổi lễ còn có sự tham dự của Thống đốc bang Pennsylvania, Thống đốc Illinois, Thị trưởng của Detroit, Cleveland và Thành phố Salt Lake, và các nhà lập pháp.
Ngoài các chính trị gia, một số lãnh đạo công nghệ cũng tham dự lễ ký, trong đó có CEO của Micron, Intel, Lockheed Martin, HP và Advanced Micro Devices.
Trước khi Tổng thống Biden ký ban hành, đạo luật này đã được Thượng viện và Hạ viện xem xét thông qua .
Nhà Trắng cho biết việc thông qua đạo luật đã thúc đẩy các khoản đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất chip. Qualcomm hôm 8/8 đã đồng ý mua thêm 4,2 tỉ USD chip bán dẫn từ nhà máy GlobalFoundries ở New York, nâng tổng cam kết mua hàng lên 7,4 tỉ USD cho đến năm 2028.
Nhà Trắng cũng cho biết hãng Micron đã thông báo khoản đầu tư 40 tỉ USD vào sản xuất chip nhớ, sẽ giúp thúc đẩy thị phần của Mỹ từ mức 2% lên 10%. Đây là một khoản đầu tư được lên kế hoạch với "khoản tài trợ dự kiến" từ đạo luật "Khoa học và Chip".
Đạo luật là một đột phá lớn hiếm hoi trong chính sách về công nghiệp của Hoa Kỳ. Nó cho thấy chính phủ Mỹ có nhúng tay vào điều tiết chính sách chứ không hoàn toàn là một nền kinh tế thị trường tự do. Đạo luật cũng bao gồm khoản tín dụng thuế đầu tư 25% cho các nhà máy sản xuất chip, ước tính trị giá 24 tỉ USD. Thông qua đạo luật, chính phủ sẽ chi 200 tỉ USD trong 10 năm để thúc đẩy nghiên cứu khoa học của Mỹ.
Một trong các yêu cầu cho các công ty muốn nhận tài trợ từ đạo luật, là họ phải ngừng mở rộng sản xuất tại Trung Quốc cũng như các quốc gia khác trong vòng 10 năm .
Trung Quốc đã vận động hành lang chống lại Đạo luật này. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết Trung Quốc "kiên quyết phản đối", gọi đây là "đòn tâm lý Chiến tranh Lạnh."
Chip bán dẫn là một thiết bị đóng vai trò ngày một quan trọng trong thế giới hiện đại. Nó tồn tại trong mọi thứ từ điện thoại thông minh, trò chơi điện tử, máy giặt, tivi, cho đến xe hơi, vũ khí... Sau nhiều thập kỷ bỏ qua lĩnh vực này để cho Đài Loan và Hàn Quốc vươn lên, giờ đây Hoa Kỳ hy vọng Đạo luật sẽ giúp nước này làm chủ công nghệ, cạnh tranh trực tiếp với nỗ lực của Trung Quốc.