Ô điện Trung Quốc đang dần chiếm thị phần lớn hơn tại châu Âu nhờ ưu thế về giá, công nghệ, linh kiện thay thế hay cách tiếp cận kinh doanh mới.
Theo số liệu công bố của Inovev, một công ty phân tích về thị trường ô tô có trụ sở tại Pháp, trong 6 tháng đầu năm 2022, các hãng xe ô tô điện của Trung Quốc đã bán được 75.000 chiếc, gần tương đương với doanh số bán được trong cả năm 2021 là 80.000 chiếc.
Nhờ doanh số tăng mạnh, ô tô điện của Trung Quốc đã vươn lên đứng thứ 3 tại châu Âu, chỉ xếp sau các tên tuổi lớn như Tập đoàn Volkswagen của Đức với 124.000 chiếc và Liên doanh ô tô Mỹ - Pháp - Italia là Stellantis với 114.000 chiếc. Đây là con số rất đáng chú ý bởi mới chỉ cách đây 3 năm, ô tô điện Trung Quốc mới chỉ chiếm 0,6% thị phần tại châu Âu.
Xe ô tô điện của Trung Quốc cũng luôn được bán kèm với các chính sách khuyến mãi hấp dẫn, thậm chí có thể lên đến 6.000 euro.
Theo Inovev, yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy khách hàng châu Âu ngày càng ưa chuộng xe ô tô điện Trung Quốc là vấn đề giá cả. Người tiêu dùng châu Âu chỉ cần bỏ ra gần 31.000 euro là đã sở hữu chiếc xe ô tô điện ZS thuộc thương hiệu MG lâu đời của Anh nhưng đã được Trung Quốc mua lại, so với số tiền bỏ ra để mua chiếc xe châu Âu cùng phân khúc như Peugeot e-2008 của Pháp có giá hơn 37.000 euro cho hay Volkswagen ID.4 của Đức lên đến 43.000 euro. Xe ô tô điện của Trung Quốc cũng luôn được bán kèm với các chính sách khuyến mãi hấp dẫn, thậm chí có thể lên đến 6.000 euro.
Một lý do quan trọng khác đến từ việc các nhà sản xuất châu Âu và gần đây Hàn Quốc luôn đặt ưu tiên biên độ lợi nhuận lên trên số lượng và điều này vô tình khiến thị trường ô tô điện giá rẻ rơi vào thay người Trung Quốc, nhất là ở phân khúc những cá nhân hay hộ gia đình muốn sở hữu một chiếc ô tô phụ.
Ngoài ra, còn phải kể đến các yếu tố khác như công nghệ hay thời gian nạp lại pin của các xe ô tô điện Trung Quốc đang tiệm cận dần với chất lượng của các hãng xe Pháp, Đức hay Hàn Quốc. Các ô tô điện Trung Quốc cũng không gặp vấn đề về linh kiện thay thế nhờ có thể tự sản xuất, đặc biệt là ưu thế cạnh tranh về pin.
Sự thay đổi thị hiếu của người mua cũng giúp các thương hiệu mới như liên doanh Lynk&Co giữa Trung Quốc và Thuỵ Điển có thể bán 1000 xe dưới dạng cho thuê ngắn hạn, từ đó có thể tiếp cận tới người tiêu dùng mà không cần phải thông qua mạng lưới đại lý. Thương mại điện tử cũng góp phần thúc đẩy doanh số, giảm bớt điểm bán hàng và tiết kiệm chi phí vận hành.
Nhiều dự báo đưa ra nhận định rằng các hãng xe ô tô điện Trung Quốc có thể đạt doanh số 1 triệu chiếc tại châu Âu vào năm 2025, chiếm 1/3 thị phần châu Âu. Trong đó, tập đoàn Geely của Trung Quốc ước tính sẽ bán được 252.000 chiếc tại thị trường châu Âu, tương đương 42% số lượng xe mà hãng này sản xuất được.
Trong bối cảnh thị trường nội địa Trung Quốc đang dần bão hoà, các nhà sản xuất ô tô điện nước này sẽ buộc phải tìm ra bên ngoài để phát triển, trong đó châu Âu và khu vực Đông Nam Á được coi là những thị trường tiềm năng nhất./.