Diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới, khối ngoại bán ròng và lãi suất huy động các ngân hàng tăng nhanh ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và diễn biến thị trường chứng khoán tuần qua.
VN-Index giảm mạnh 5,9%, cùng với mức giảm điểm trên diện rộng 346/400 cổ phiếu và 19/19 ngành giảm điểm. Các ngành dầu khí, hóa chất, vật liệu xây dựng và bán lẻ tăng nhẹ hoặc giảm ít thời gian qua lại có mức giảm từ 8 - 11%.
Thị trường mất trụ từ cổ phiếu lớn như VIC, VHM, MSN giảm sâu, bị cuốn vào làn sóng giảm điểm và áp lực giải chấp ở một số công ty chứng khoán. Dù vậy, tín hiệu hồi phục tích cực trong phiên cuối tuần đang mang lại kỳ vọng về đà giảm chậm lại và VN-Index có cơ hội hình thành vùng tích lũy trên 1.100 điểm trong tuần này.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng GDP khá ấn tượng, theo đó GDP quý III tăng 13,67% giúp cho GDP 9 tháng đạt 8,83%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng đạt kết quả tích cực tuy nhiên sức ép ổn định tỷ giá vẫn khá mạnh và cũng là một trong những lý do khiến Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất vào cuối tuần trước.
Trong tuần thị trường chứng khoán tiếp đà giảm mạnh khi các thông tin tiêu cực ngấm dần, tổ chức trong nước là bên mua ròng 226 ròng tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 323 tỷ.
Tiếp tục mua ròng cổ phiếu thực phẩm, trong khi xả mạnh nhất nhóm chứng khoán
Trong tuần giao dịch cuối tháng 9, cổ phiếu của các doanh nghiệp thực phẩm & đồ uống tiếp tục thu hút dòng tiền của các tổ chức trong nước với giá trị mua ròng đạt 456 tỷ đồng. Thống kê cho thấy quy mô giải ngân tiếp tục đẩy mạnh so với con số gần 120 tỷ đồng của tuần trước đó.
Lực cầu từ tổ chức trong nước cũng lan tỏa sang nhóm ngân hàng với giá trị vào ròng 352 tỷ đồng. Tuần qua, nhóm cổ phiếu vua ghi nhận tỷ trọng giá trị giao dịch theo tuần tăng lên 10,47%, đây là mức cải thiện tuần thứ 2 liên tiếp, chỉ số ngành giảm 3,83%.
Tính từ đầu năm nhóm ngân hàng giảm 23,59%, còn riêng trong tháng 9 nhóm này giảm 13,69% nằm trong top 5 nhóm ngành giảm điểm.
Ngoài ra, dòng tiền tổ chức nội còn chảy vào các ngành bán lẻ (262 tỷ đồng), điện, nước, xăng dầu khí đốt (179 tỷ đồng), công nghệ thông tin (166 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (131 tỷ đồng).
Nối tiếp, hoạt động giải ngân nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là tài nguyên cơ bản (82 tỷ đồng), hóa chất (47 tỷ đồng), du lịch & giải trí (42 tỷ đồng), bảo hiểm (30 tỷ đồng),…
Ở chiều ngược lại, NĐT tổ chức trong nước tiếp tục bán ròng mạnh nhất cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính với 121 tỷ đồng. Trong tuần vừa qua, ngành chứng khoán vẫn là tâm điểm bán ròng của các tổ chức nội trong bối cảnh chỉ số giá ngành giảm 5,56%, nhiều cổ phiếu đã có mức chiết khấu 20 – 30% kể từ vùng đỉnh lịch sử.
Áp lực bán ra cũng chiếm ưu thế tại nhóm bất động sản (105 tỷ đồng), dầu khí (69 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (58 tỷ đồng),…
Cổ phiếu nào được mua/bán nhiều nhất?
Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tháng qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào loạt bluechips trong rổ VN30. Trong đó, cổ phiếu VNM của Vinamilk dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất lên tới 283,7 tỷ đồng. Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 205,4 tỷ đồng cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động và 161,2 tỷ đồng mã FPT.
Cùng chiều, hai đại diện khác từ nhóm các nhà băng là STB và ACB cũng được tổ chức nội gom ròng với giá trị lần lượt là 130,9 tỷ và 117,9 tỷ đồng, mặc dù diễn biến của phần lớn các mã ngân hàng vận động kém sắc nhất tuần qua.
Ở chiều ngược lại, mã VND của Chứng khoán VNDirect chịu áp lực rút vốn mạnh nhất với giá trị xả ròng 128,9 tỷ đồng, kế đó là KDH (107,7 tỷ đồng).
Theo dõi giao dịch của tổ chức trong nước, dòng tiền tiếp tục rút khỏi NLG (80 tỷ đồng), PLX (72,5 tỷ đồng) và HAH (71,1 tỷ đồng).