“Tôi cần sự mạnh mẽ và lỳ lợm ở các cậu, bởi chúng ta không thể chiến đấu bằng những kẻ yếu đuối”, Irlan Alarancia, đầu đội mũ gắn phù hiệu Hard-Liners và cổ đeo biển tên inox, hét vào chiếc loa trước đám đông mặc đồng phục cam.
Thoạt nhìn, nhiều người sẽ lầm tưởng đây là buổi huấn luyện của lực lượng dân quân trước khi tới trấn áp cuộc xung đột. Không phải. Đó là sự chuẩn bị của một fan club có tên Hard-Liners trước một trận đấu thuộc giải đấu ở Indonesia . Trong mắt thế giới, xứ vạn đảo là nơi xem bóng đá nguy hiểm nhất, với một giải đấu được mệnh danh là chết chóc nhất hành tinh.
Alarancia là một Jakmania, tức fan của Persija Jakarta, vì vậy sớm hình thành tâm lý thù địch với Persib Bandung, đối thủ trong trận đấu được gọi là derby Indonesia. Có nghĩa anh và Jakmania khác luôn phải trong tư thế sẵn sàng để chiến đấu với Bobotoh, người hâm mộ của Persib Bandung. “Mỗi khi hai đội gặp nhau, đương nhiên là những cuộc chiến”, Alarancia nói. Để có được vị trí thủ lĩnh của Hard-Liners, Alarancia phải đánh đổi bằng chiếc răng cửa và vô số vết sẹo từ các cuộc ẩu đả trong quá khứ.
Irlan Alarancia, thủ lĩnh Hard-Liners, nhóm ultra của Persija Jakarta.
Tuy nhiên, khi bắt đầu có tuổi và tập được tính điềm đạm, Alarancia cho rằng “sự kình địch đã vượt quá ranh giới và phát triển đến mức nguy hiểm”.
Anh nhận ra điều này sau cái chết của Haringga Sirla, một thanh niên 23 tuổi hâm mộ Persija Jakarta. Tháng 9/2018, Sirla trải qua hành trình 117km tới Bandung, Tây Java để xem trận derby Indonesia, sau đó đụng độ với các Bobotoh.
Phải kể thêm ở đây, tại Indonesia, trước mỗi trận đấu các ultra của một đội sẽ lùng sục trên phố, dừng các phương tiện giao thông, kiểm tra căn cước từng người để đảm bảo không CĐV đối thủ nào lai vãng ở đó. Hành động này gọi là “quét”. Vậy nên fan đội khách thường bị cấm tới gần sân.
Cách các ultra thể hiện sự thương tiếc với fan hâm mộ xấu số Haringga Sirla. (Ảnh: jawapos)
Hôm ấy các Bobotoh “quét” được Sirla. Và chàng trai xấu số đã bị đánh đập tàn bạo cho đến chết ngay trên phố. Toàn bộ diễn biến được một chiếc điện thoại di động ghi lại, khiến cả thế giới phẫn nộ. Giới chức Indo buộc phải vào cuộc dưới sự giám sát của Tổng thống Joko Widodo. Thế nhưng tất cả biết rằng bạo lực sẽ không chấm dứt.
Sirla là cái chết thứ 95 liên quan đến bóng đá kể từ năm 2005 tại Indonesia. Và trước Sirla không lâu, Muhammad Rovi Arrahman đã chết dưới bàn tay của các Jakmania. Chàng trai 17 tuổi này là một Bobotoh, thành viên của Persib’s Vikings, nhóm cực đoan của Persib Bandung có 100.000 thành viên được tổ chức theo mô hình châu Âu.
Với hơn 260 triệu người, Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư trên trái đất. Đất nước này bao gồm khoảng 17.000 hòn đảo với hơn 700 ngôn ngữ và thổ ngữ khác nhau, đồng thời rất đa dạng về tôn giáo cũng và sự chồng chéo các hệ thống tín ngưỡng khác nhau.
Trận derby Indonesia luôn nóng cả trong lẫn ngoài sân cỏ. (Ảnh: Bola)
Thứ duy nhất khiến tất cả cùng quan tâm ở Indo là bóng đá . Họ yêu bóng đá đến mức cuồng tín và phổ biến thuật ngữ “Sampai mati”, có nghĩa là “yêu cho đến chết”.
Tình yêu này có thể bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 20, khi xứ vạn đảo còn là thuộc địa của Hà Lan và người dân bản địa coi bóng đá là phương cách để phản kháng ách áp bức. Ví dụ, dân Indo tự lập các đội bóng của riêng họ cùng Hiệp đội bóng đá của người Indo, đối nghịch với Hiệp hội được tạo ra bởi thực dân Hà Lan. Điều này buộc các ông chủ Hà Lan phải thỏa hiệp, chấp nhận đội Đông Ấn Hà Lan với thành phần bao gồm một số cầu thủ bản địa để tham dự World Cup 1938.
Theo Frantz Fanon, nhà tâm thần học và triết học người Pháp có tư tưởng chống thực dân, mọi xã hội, mọi tập thể đều tồn tại một lối thoát, mà ở đó họ được giải phóng các giá trị bản thân. Ở Indonesia, lối thoát chính là bóng đá. Ngay cả bây giờ, khi xứ vạn đảo trở thành quốc gia độc lập từ lâu nhưng sự bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo vẫn lớn và tham nhũng tràn lan, bóng đá vẫn được coi là điểm tựa. Đó là nơi những người trẻ tuổi tìm thấy phương thức thể hiện bản thân, trong khi phần còn lại tìm thấy lối thoát cho sự bất mãn của họ.
Những người trẻ tuổi tìm thấy phương thức thể hiện bản thân trong bóng đá. (Ảnh: Guardian)
Trên thế giới, các trận bóng đá, đặc biệt là những trận derby, thường diễn ra vô cùng căng thẳng. Hầu hết bắt nguồn từ sự đối nghịch vùng miền, giai cấp, hệ tư tưởng hoặc mối xung đột trong quá khứ. Còn tại Indonesia, những cuộc ẩu đả đến từ các lý do tầm thường hơn. Đôi khi chỉ từ những lời chế giễu hay một vài sự hiểu lầm.
Như trận derby Indonesia giữa Persija Jakarta và Persib Bandung, trong hơn nửa thế kỷ từ khi hai đội bóng này thành lập, các cuộc chạm trán đều diễn ra hết sức ôn hòa. Cho đến tận cuối những năm 1990, theo chuyên gia bóng đá Indo Eko Noer, bạo lực bắt đầu bùng phát từ hai nhóm CĐV bực tức vì không được vào sân Bandung do hết chỗ.
Các Jakmania tức giận vì lặn lội đường xa mà phải đứng ngoài, trong khi nhóm Bobotoh cũng không vui vì ở ngay đấy cũng phải dừng bước trước cánh cổng. Tình trạng này diễn ra nhiều lần ở các trận sau đó, và hai bên quay sang đánh lẫn nhau, cuối cùng thành truyền thống. Tiếp theo là hành động ăn miếng trả miếng, khi người hâm mộ đội này chết dưới tay người hâm mộ đội kia.
Các ultra Indonesia sẵn sàng tấn công bất cứ ai không vừa mắt. (Ảnh: AsiaTimes)
Như chúng ta thấy, điều đáng nguy hại là rất nhiều hội nhóm cực đoan được lập ra đứng sau các CLB, không chỉ hai đội Persija Jakarta và Persib Bandung. Bạo lực cũng không dừng ở mối quan hệ kình địch. Các ultra sẵn sàng tấn công bất cứ ai không vừa mắt, kể cả cầu thủ và quan chức CLB. Không phải ngẫu nhiên mà các đội ở Indonesia thường đến sân trên những chiếc xe bọc thép.
Vào năm 2019, không lâu sau cái chết của Sirla cùng những tuyên bố đầy sức nặng của Tổng thống cũng như quan chức LĐBĐ Indonesia (PSSI) về chấm dứt bạo lực, các cuộc bạo loạn vẫn diễn ra. Ở trận đấu mà Persija Jakarta có cơ hội đăng quang, cả ngàn Jakmania xô đổ cánh cổng và tràn vào sân trong sự bất lực của cảnh sát. Rồi sau đó, khi Persija Jakarta gặp Bali, có tin đồn kết quả đã được dàn xếp, người hâm mộ Bali ném pháo sáng và tấn công chính đội của họ vì dám bán độ.
Hoặc vừa qua tại sân Kanjuruhan ở Malang, Đông Java, thảm họa kinh hoàng khiến hơn một trăm người chết xuất phát từ việc người hâm mộ Arema FC phẫn nộ vì đội nhà thua trận.
Khung cảnh hỗn loạn tại Kanjuruhan hôm 1/10. (Ảnh: Bola)
Khi các cầu thủ tiến về phía khán đài để xin lỗi người hâm mộ, những CĐV quá khích ném mọi thứ có thể về phía cầu thủ, sau đó lao vào sân để tấn công và đập phá. Sau đó đối tượng để họ chiến đấu là cảnh sát. Khi cảnh sát trấn áp nhóm quá khích ở khán đài Bắc, nhóm khác từ khán đài Nam tràn xuống, buộc lực lượng an ninh phải sử dụng đạn cay. Đó là cách để thảm kịch xảy ra.
Số người thiệt mạng được cho là 174 trước khi bị rút xuống còn 125. Dù con số nào, nó vẫn rất khủng khiếp, đồng thời nhiều hơn tổng số người chết vì bóng đá ở Indonesia trong gần hai thập kỷ qua. Và có một điều chắc chắn, phần lớn trong số đó không phải các ultra. Họ chỉ tới để xem bóng đá.
“Tại sao điều này lại phải xảy ra với con tôi? Nó là cậu bé ngoan, đột nhiên trở thành nạn nhân chỉ vì xem một trận bóng. Nó không tìm rắc rối. Nó chỉ thích xem bóng đá”, Mirah, người mẹ đau khổ của Sirla từng nói trong nước mắt vào năm 2018. Cho đến nay câu hỏi của bà vẫn không có câu trả lời. Và nước Indo lại có thêm rất nhiều “Sirla” khác.